Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định về giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ còn chờ Chính phủ thông qua |
Với việc giảm 50% phí trước bạ hiện hành 10% -12%, người tiêu dùng Việt mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ chỉ phải đóng 5% đến 6% phí trước bạ khi đăng ký lần đầu xe ô tô.
Khách đợi giảm lệ phí trước bạ
Với các dòng xe phân khúc phổ thông, mức giảm phí trước bạ sẽ dao động từ vài chục triệu đồng tùy phiên bản và nơi đăng ký như Hyundai Accent có giá lăn bánh của xe giảm 21-33 triệu đồng, Toyota Vios giá lăn bánh giảm từ 23-35 triệu đồng, với Mazda 3, giá lăn bánh sẽ giảm 36-55 triệu đồng....
Đối với các dòng xe cao cấp như dòng VinFast Lux A2.0 có thể giảm khoảng 55-73 triệu đồng; dòng SUV VinFast Lux SA2.0 có thể giảm 79-100 triệu đồng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, với mức giảm khá lớn này, có thể kích thích người dân tăng mua xe hơi thời điểm hiện nay.
Trên thực tế hiện nay nhu cầu mua xe ô tô đã tăng mạnh so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhưng so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng giảm hơn nhiều. Vì vậy, trong lúc chờ Chính phủ thông qua Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhiều hãng xe nội địa đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá xe để kích cầu.
Như vậy, thời điểm này nếu Nghị định có hiệu lực người tiêu dùng sẽ được “hưởng lợi kép” từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chính sách khuyến mãi của doanh nghiệp bán hàng.
Chẳng hạn, khách hàng mua xe của VinFast trong tháng 6 sẽ được giảm giá 10% trên giá bán lẻ (đã gồm VAT). Ví dụ, hiện tại 1 chiếc xe FADIL có giá 415 triệu đã bao gồm VAT, sau khi chiết khấu 10% theo chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp, tương đương với 41.500 nghìn đồng và giảm 50% lệ phí trước bạ, tương đương với mức giảm 20-24 triệu đồng, giá lăn bánh giảm từ 61.500 nghìn – 65.500 nghìn đồng so với trước đây.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không đợi đến khi Nghị định chính thức có hiệu lực đã tuyên bố hỗ trợ100% lệ phí trước bạn cho người mua xe. Từ ngày 4/6 cho đến hết năm 2020, khách hàng mua các mẫu xe sedan LuxA 2.0 và bản SUV Lux SA2.0 của VinFast được hỗ trợ phí trước bạ 100% bắt đầu.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp xe nhập khẩu BMW, Audi, Mercedes, Ford, Honda và Toyota cũng không chờ Nghị định giảm 50% phí trước bạ chính thức ban hành, mà đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm cạnh tranh với dòng xe nội địa.
Có cần Thông tư hướng dẫn?
Hiện tại, việc áp dụng thu lệ phí trước bạ cho tất cả các loại xe ô tô, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ đang được thực hiện theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng khi Nghị định về giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phải có những tiêu chí rõ ràng về đối tượng được hưởng ưu đãi, cụ thể ở đây là ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nhất là khi mức độ nội địa hoá của các dòng ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước có sự khác biệt lớn.
Do vậy, ngoài Nghị định, Bộ Tài chính có thể sẽ ra thông tư để hướng dẫn thực hiện và quy định thực hiện.
Đánh giá về vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc ban hành chính sách hỗ trợ này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.
"Bởi trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ bình thường mới sau dịch thì chính sách có tác động kích cầu tốt, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hoá, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế”, ông Long cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải xem xét Nghị định có quy định nào cần phải giải thích bằng Thông tư hay không. Nếu có Thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính cần phải làm ngay để khi Chính phủ thông qua người dân sẽ không còn phải chờ đợi.
Trên thực tế, Nghị định hỗ trợ này chỉ có tác động trong một thời gian ngắn từ nay đến cuối năm, nếu cơ quan quản lý không làm nhanh thì không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn. Vì người mua xe tất nhiên sẽ tiếp tục chờ đến khi nào được áp dụng chính sách mới.
“Ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và sản xuất ô tô trong nước. Cầu tiêu thụ mạnh thì sẽ đẩy mạnh được sản xuất trong nước”, ông Long cho hay.
Đồng tình, một chuyên gia tư pháp cho rằng, việc xây dựng một nghị định mới trong bối cảnh “thời chiến” của dịch Covid-19 cần phải rất nhanh, đặc biệt với Nghị định giảm lệ phí trước bạ xe ô tô không cần phải ban hành Thông tư hướng dẫn, bởi quy định đã rõ ràng ngay trong nội dung Nghị định.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đánh giá cao quyết định của Chính phủ và cho rằng đây là biện pháp quan trọng giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. VAMA cũng mong muốn quyết định này sớm đưa vào cuộc sống, tạo chuyển biến thị trường.
Thanh Hoa