Tháng 5/2020, VinFast bán được hơn 2.100 chiếc ô tô |
Trong tháng 5, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi như: Toyota, TC Motor, Honda, Ford và mới đây là VinFast đều có doanh số cao hơn hẳn tháng trước đó.
Hậu giãn cách, doanh số ô tô tăng 62%
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.081 xe, tăng 62% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 30% so với tháng 5/2019.
Doanh số này bao gồm 13.009 xe du lịch; 5.810 xe thương mại và 262 xe chuyên dụng. So với tháng trước đó, doanh số xe du lịch tăng 67%; xe thương mại tăng 59% và xe chuyên dụng giảm 16%.
Báo cáo bán hàng của VAMA cũng cho biết, trong tháng 5/2020, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 11.095 xe, tăng 50% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.986 xe, tăng 83% so với tháng trước.
Dẫu vậy, sự bứt tốc doanh số bán hàng trong tháng 5 cũng không thể kéo tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ; luỹ kế đến hết tháng 5/2020 đạt 83.181 xe, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 59.098 xe giảm 36%; xe thương mại đạt 22.579 xe, giảm 28% và xe chuyên dụng đạt 1.504 xe, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo từ VAMA cũng cho biết, tính đến hết tháng 5/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 32%, trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh số bán hàng ở các hãng xe trong tháng 5 cho thấy thị trường đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Sở dĩ lượng sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu đều tăng mạnh là do tháng 4 là giai đoạn giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Bước sang tháng 5, nhiều nhà máy sản xuất ô tô đã mở cửa trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sôi động hơn nhiều so với tháng trước đó. Theo đó, các hãng xe đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu mua xe.
Chẳng hạn, từ ngày 8/5/2020, VinFast tiếp tục công bố chương trình “Đổi cũ lấy mới”. Tất cả xe ô tô lưu hành chưa quá 7 năm của bất kỳ thương hiệu nào đều có thể tham gia chương trình khi khách hàng chuyển sang xe VinFast. Xe cũ sẽ được Smart Solution (thuộc Vingroup) mua lại theo đúng giá thị trường, đồng thời hỗ trợ thêm 50 triệu, 30 triệu hoặc 10 triệu đồng để khách hàng đổi sang VinFast Lux SA2.0, Lux A2.0 hoặc Fadil.
Nhờ vậy, doanh số bán hàng trong tháng 5 của VinFast tăng mạnh và vươn lên ở vị trí thứ 5 trên thị trường, với tổng số 2.161 xe; đứng sau Thaco với 5.829 xe được bán ra; TC Motor với 4.833 xe và Toyota với 4.167 xe. Honda là nhà sản xuất có doanh số đứng thứ 4 thị trường khi bán được 2.710 xe trong tháng 5/2020; Ford bán được 1.858 xe, Mitsubishi 1.536 xe.
Nhiều mẫu xe ngừng nhập khẩu
Ngay trong tháng 5, khi Chính phủ quyết định về việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước đã làm nóng thị trường ô tô.
Với chính sách trên, các hãng xe có các mẫu lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng lợi như Vinfast với 100% xe sản xuất trong nước, TC Motor, Thaco Trường Hải, Toyota, Ford… Ngược lại, những thương hiệu xe nhập khẩu sẽ không được hưởng lợi. Điều này khiến cho việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, một số hãng ô tô nhập khẩu tuyên bố ngừng nhập xe ô tô.
Chẳng hạn, Suzuki tuyên bố ngừng nhập khẩu Celerio. Một số hàng còn tồn kho tại đại lý sẽ vẫn tiếp tục được bán ra. Tuy nhiên, hãng không cho biết kế hoạch tiếp theo đối với Celerio. Trong khi đó, mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc Honda Jazz cũng âm thầm bị "gạch tên khỏi đội hình" sản phẩm của hãng.
Theo một chuyên gia ngành ô tô, nguyên nhân lớn nhất khiến 2 mẫu xe kể trên âm thầm bị "khai tử" có lẽ đến từ việc doanh số hàng tháng quá thấp tại thị trường Việt Nam trong những tháng qua, không thể cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ngoài ra, trong thời gian tới, dòng xe lắp ráp trong nước được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cũng khiến dòng xe nhập khẩu gặp khó trong cuộc cạnh tranh.
Chuyên gia này cũng đưa ra nhận định, thị trường xe lắp ráp sẽ sôi động trở lại khi đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho dòng xe lắp ráp trong nước đã được thông qua và dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020 và kéo dài đến hết năm.
"Ưu đãi về phí từ Chính phủ đi kèm với giá xe giảm từ các hãng, đại lý sẽ là thời cơ lớn để khách hàng có thể mua được chiếc xe yêu thích, giúp ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt tốc trong thời gian tới", chuyên gia này cho hay.
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm phí trước bạ chỉ là giải pháp trước mắt để khôi phục sản xuất ngành ô tô trong nước sau dịch Covid-19. Về lâu dài để có thị trường ô tô cạnh tranh, phổ cập tại Việt Nam, rất cần chính sách đồng bộ, chiến lược.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, trên thế giới, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đi vào xe điện, hybrid, trong khi Thái Lan vừa có chiến lược xây dựng trở thành trung tâm xe điện...
"Việt Nam có dòng xe chiến lược không? Chúng ta không có, thị trường chỉ có tiêu thụ nhiều hơn dòng xe giá rẻ hatchback, sedan phổ thông nhưng nội địa hóa các mẫu xe này chưa bao giờ được công bố. Tất cả khiến bài toán ưu đãi thế nào, vào đâu, làm sao cho ngành ô tô non trẻ của Việt Nam tồn tại và phát triển được trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn", ông Đồng nói.
Hoàng Hà