Trong những ngày đầu tháng 10/2019, giá hạt tiêu trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá hạt tiêu đen trong nước thấp nhất là 39.000 đồng/kg tại tỉnh Chư Sê và tỉnh Đồng Nai, cao nhất là 41.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 63.000 đồng/kg, giảm 3,1% so với cuối tháng 9/2019 và giảm so với mức 87.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018.
Thị trường ảm đạm
Theo dữ liệu thống kê của IPC, giá tiêu xuất khẩu (XK) trong tháng 9/2019 tiếp tục giảm nhẹ ở các nước sản xuất và XK hồ tiêu, do nguồn cung tiếp tục thặng dư và nhu cầu mua đầu cơ giảm sút khi dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết XK hồ tiêu trong tháng 9/2019 đạt 15.048 tấn các loại, giảm 3.824 tấn (20,26%) so với tháng 8 và giảm 2.462 tấn, tương đương 14,06% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá trị kim ngạch XK trong tháng 9 đạt 37,08 triệu USD, giảm 9,32 triệu USD, tương đương 20,08% so với tháng 8 và giảm 13,68 triệu USD, tương đương 26,95% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế khối lượng XK 9 tháng đầu năm 2019 đạt 233.406 tấn tiêu các loại, tăng 40.674 tấn, tương đương 21,10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch chỉ đạt tổng cộng 593,41 triệu USD, giảm 40,73 triệu USD, tương đương 6,98%.
Giá XK bình quân hạt tiêu 9 tháng năm 2019 đạt mức 2.542,4 USD/tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, giá trị XK hồ tiêu có chiều hướng đi xuống trong vài năm gần đây. Năm 2017, cả nước XK được khoảng 214.000 tấn nhưng giá trị hồ tiêu XK ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016. Năm 2018, XK được 232.000 tấn, giá trị đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1% về giá trị.
Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng có thông tin cho biết XK hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá liên tục xuống thấp, cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu trên thế giới hiện vào khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%.
Đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá hạt tiêu sẽ khó có khả năng phục hồi mạnh do cung vượt cầu.
Ngành sản xuất tiêu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn |
Khó khăn chồng chất
Ngoài những khó khăn về giá, nguồn cầu, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình sản xuất hồ tiêu của Việt Nam hiện nay vẫn chưa bền vững do diện tích trồng ở nhiều vùng tăng trưởng không theo quy hoạch. Năm 2010, cả nước có 51.300 ha, đến hết năm 2018 có 149.800 ha, vượt quy hoạch phát triển ngành gần 100.000 ha.
Đáng chú ý, vụ tiêu 2019 này, người trồng tiêu lại thêm một nỗi lo khi cây tiêu bất ngờ mắc thêm căn bệnh mới là bông rụng hàng loạt, đậu ít trái. Viễn cảnh tiêu vừa mất giá vừa mất mùa đang hiển hiện trước mắt.
Trước đó, các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... được cho là cơ hội rất lớn, mở rộng XK cho ngành hồ tiêu.
Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), tiêu chuẩn của các nước thuộc các FTA này khá nghiêm ngặt vì đều là các nước phát triển, có hệ thống tiêu chuẩn trong nước ở mức rất cao.
Đặc biệt là đối với CPTPP, không có các quy định thống nhất vì đây không phải là một khu vực kinh tế chung. Mỗi nước trong CPTPP sẽ có một quy định riêng về các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS/TBT).
Trong khi đó, EVFTA ban hành các quy định chung về SPS/TBT của toàn khối như giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mức tối đa đối với một số chất nhất định, độc tố nấm, kim loại nặng...
Do đó, để chinh phục được những thị trường khó tính là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp XK tiêu trong nước. Ngoài ra, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất, XK tiêu hàng đầu thế giới, chiếm hơn 40% về sản lượng và hơn 60% về thị phần, nhưng chủ yếu XK ở dạng thô khiến giá trị gia tăng thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Do vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Nếu không thay đổi, ngành hồ tiêu sẽ lún sâu vào khủng hoảng, người trồng tiêu tiếp tục thua lỗ.
Vân Linh