Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho hay, tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, giảm 13,3% so với tháng 3/2021; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD…
![]() |
Giá trị xuất khẩu và tỷ trọng của từng nhóm hàng trong 4 tháng đầu năm 2021. |
Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với 4 tháng năm 2020. Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,0%; lâm sản chính đạt 5,33 tỷ USD, tăng 50,9%; thủy sản ước đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%; chăn nuôi ước đạt 125 triệu USD, tăng 37,4%.
4 tháng đầu năm 2021, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK tăng gồm cao su (+111,6%), chè (+7,9%), gạo (+1,2%), nhóm hàng rau quả (+9,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (+23,9%), sản phẩm chăn nuôi (+37,4%), cá tra (+2,8%), tôm (+5,5%); sản phẩm gỗ (+71,4%), mây, tre, cói thảm (+65,9%); quế (+28,1),…
Trong đó, cao su, chè, sắn tăng cả khối lượng và giá trị XK: cao su (+79,6% khối lượng, +111,6% giá trị), chè (+1,6% và +7,9%), sắn (+65,3%, +90,9%); 2 mặt hàng dù giảm khối lượng nhưng nhờ giá XK bình quân tăng nên vẫn tăng giá trị gồm gạo (-10,8% khối lượng nhưng +1,2% giá trị), hạt tiêu (-21,3% nhưng +10,3% giá trị). Còn lại tăng giá trị XK chủ yếu do tăng khối lượng XK.
Về thị trường XK, ước giá trị XK nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 46,9% thị phần, châu Mỹ: 27,6%, châu Âu: 10,0%, châu Đại Dương: 1,4% và châu Phi: 1,4%. Trong đó, 4 thị trường XK chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 25,1% (giá trị tăng 58,0% so với năm 2020), 23,3% (+35,8%), 6,8% (+4,5%) và 4,9% (+11,2%).
Để đẩy mạnh XK trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, cung cấp thông tin giá cả hàng tuần, bản tin thị trường hàng tuần, báo cáo thống kê hàng tháng, báo cáo xuất nhập khẩu theo mã HS đối với lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản hàng tháng, tình hình xuất nhập khẩu theo vùng lãnh thổ đối với các sản phẩm nông sản chủ lực hàng tháng.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hóa trong lĩnh vực SPS đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp XK nông sản các dự thảo quy định SPS mới của các thị trường XK chủ chốt của Việt Nam.
Thy Lê