Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, tháng 3/2021, nhập khẩu cao su của thị trường này đạt mức kỷ lục trong vòng 4 năm gần đây nhờ kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu sản phẩm cao su lớn vào Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 406,47 nghìn tấn, trị giá 647,66 triệu USD, tăng 77,4% về lượng và tăng 102% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cao su Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2021. |
Tháng 3/2021, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm 65,18% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 72,95 nghìn tấn, trị giá 121,51 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng 1,5% về trị giá so với tháng 2/2021; tăng 114,7% về lượng và tăng 162% về trị giá so với tháng 3/2020. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 3/2021 trung bình ở mức 1.666 USD/tấn, tăng 4,3% so với tháng 2/2021 và tăng 22% so với tháng 3/2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 290,16 nghìn tấn cao su, trị giá 463,07 triệu USD, tăng 103,1% về lượng và tăng 128% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Trần Thị Thuý Hoa, Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên chủ yếu của Việt Nam. Nhu cầu từ Trung Quốc đối với nhóm mặt hàng này có xu hướng mở rộng, song phần lớn khách hàng từ thị trường Trung Quốc không có những đòi hỏi khó tính về chất lượng sản phẩm.
"Sự dễ tính từ thị trường Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng", bà Hoa đánh giá.
Đáng lo ngại, trong khi các sản phẩm của ngành cao su, đặc biệt là cao su thiên nhiên chủ yếu được tiêu thụ tại Trung Quốc - thị trường hiện không có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của các thị trường xuất khẩu đang và tiếp tục thay đổi nhanh trong tương lai, ngay cả thị trường Trung Quốc.
Nhằm tuân thủ luật pháp của quốc gia và tại các nước đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn, trong đó có các quy định hạn chế các dự án đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu và các dự án vi phạm về môi trường, sử dụng năng lượng và an toàn. Bên cạnh đó, các yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc về các khía cạnh môi trường và xã hội đối với các sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia này ngày càng chặt chẽ hơn.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cũng cho rằng, ở các thị trường khó tính hơn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường. Đạo luật Lacey của Mỹ nghiêm cấm tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu được nhập khẩu vào thị trường này. EU chuẩn bị đưa ra đạo luật trong đó cấm toàn bộ các sản phẩm có liên quan đến mất rừng nhập khẩu vào toàn khối EU. Bên cạnh đó, các thảo luận về chuỗi cung ứng xanh cũng đang được các nhà quản lý khối EU thảo luận.
Ở mộc góc nhìn tích cực hơn, theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su là yếu tố thúc đẩy giá cao su tăng cao trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vì vậy, các chính sách và "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cao su thiên nhiên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Ngành cao su Việt Nam cần tăng cường tận dụng các yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do. |
Tuy vậy, ông An cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu cao su do lượng lớn đã được thu mua trong quý III và IV/2020.
Mặt khác, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường khó tính hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đơn hàng từ các thị trường này trong năm 2020 và đầu năm 2021 rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu cao su thiên nhiên lại liên tục tăng cao tại Trung Quốc nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ rất sớm.
"Ngành cao su Việt Nam cần tăng cường tận dụng các yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành", ông An nhìn nhận.
Bà Trần Thị Thuý Hoa cho rằng, để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về sản phẩm hợp pháp là bắt buộc, nhu cầu của thị trường về sản phẩm bền vững là xu hướng tất yếu trong tương lai, ngành cao su cần minh bạch hóa về các chuỗi sản xuất. Các thông tin về luồng cung nguyên liệu đầu vào, hoạt động trong các khâu của chuỗi, các quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động về các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, mức độ tuân thủ/bất tuân thủ của các bên liên quan tham gia vào các hoạt động... cần được tài liệu hóa.
Đặc biệt, theo ông Tô Xuân Phúc, hộ tiểu điền là một bộ phận quan trọng của chuỗi cao su hiện nay. Thực hiện các thay đổi lớn trong ngành, hướng tới các sản phẩm hợp pháp và bền vững không thể không tính đến vai trò của hộ. Các yêu cầu về chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ FSC (những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững) vượt xa so với năng lực và trình độ quản lý hiện nay của các hộ. Bên cạnh đó, không phải toàn bộ 265.000 hộ tiểu điền đều có nhu cầu đạt chứng chỉ bền vững.
"Tuy nhiên, với xu hướng thị trường sử dụng các sản phẩm bền vững trong tương lai, chuẩn bị sẵn sàng cho các hộ thông qua việc trang bị các kiến thức cơ bản về sản xuất cao su bền vững là quan trọng", ông Phúc nhấn mạnh.
Nhật Linh