Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng số lượng nông sản còn tại các cửa khẩu là hơn 3.000 xe. Hiện nay, số lượng hàng tồn đang được đẩy mạnh để xuất khẩu qua đường biển cũng như tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều đang gặp khó khăn.
Khó khăn chồng chất
Cụ thể, về đường biển xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cước tăng cao, cộng thêm thiếu container rỗng đang là vấn đề chưa thể giải quyết. Bộ Công Thương đánh giá, giá cước logistics đang ở mức cao nhất lịch sử. Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng 12/2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến cảng Ninh Ba - Chu Sơn của Trung Quốc tăng 137%.
Tình trạng ùn ứ nông sản đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. |
Liên quan tới vấn đề thiếu container, chi phí đắt đỏ theo đường biển, ông Đặng Đình Long, đại diện Công ty Logistics Mega A cho hay, nguyên nhân là do trước giờ, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu theo đường bộ nên việc chuyển hướng sang đường biển không phải muốn nâng công suất là đáp ứng được ngay. Thực tế, các hãng tàu thường có chính sách ưu tiên các khách hàng trung thành, tức đã làm việc với họ nhiều năm, có lộ trình gửi hàng cụ thể theo từng tháng, từng năm.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, ông Long cho rằng các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp cần làm việc cụ thể với các hãng tàu của Trung Quốc, hiệp hội logistics để đặt hàng cụ thể. Về lâu dài cần thống kê năng lực sản xuất, thu mua, từ đó lượng hóa cung cầu, thông qua mã số vùng trồng, mã nhà đóng gói, mã nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu...
Với lượng hàng quay trở lại thị trường nội địa thì vấn đề chất lượng cũng khiến tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi rõ ràng nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam nếu tập trung vào chất lượng ngay ở khâu sản xuất thì thị trường không bao giờ thiếu.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản dẫn chứng từ thành công của quả vải thiều tại thị trường này. Trước đây, người Nhật chỉ mua để ăn thử với số lượng khiêm tốn thì nay mua cả thùng có trọng lượng 5-7kg để làm quà biếu tặng người thân.
Thành công là vậy, song ông Minh cũng lưu ý công nghệ ngày càng hiện đại, Việt Nam cũng cần nghiên cứu tới các sản phẩm như vải thiều không hạt. "Ở Nhật Bản, họ có các loại trái cây như táo, hồng... không hạt rất được ưa chuộng", ông Minh cho biết.
Đáng chú ý, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần quan tâm tới chất lượng, đáp ứng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, xử lý sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... "Vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ Chính phủ Nhật về một số sản phẩm Việt vi phạm liên quan tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu Việt Nam quản lý không tốt, họ sẽ cấm nhập khẩu một số mặt hàng, điều đó đồng nghĩa chúng ta phải đàm phán lại và xử lý nhiều vấn đề phát sinh khác", ông Minh nói.
Nâng chất lượng, tăng giám sát
Tương tự, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cảnh báo, việc mở được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng, tránh tình cạnh tranh bằng giá để rồi đánh mất lòng tin từ phía khách hàng.
Thời gian qua, ông Thướng cho biết đã nhận được một số phản ánh của khách hàng về một vài doanh nghiệp Việt sau khi xuất nông sản sang Ấn Độ đã hạ giá bán. Giá thấp thì chất lượng sản phẩm khó đạt nên khi phát sinh vấn đề tranh chấp, doanh nghiệp của Việt Nam sau khi thu được tiền đã không hợp tác với phía khách hàng để giải quyết.
"Khách hàng nhiều khi họ muốn mua rẻ, nhưng chúng ta đừng nóng lòng xuất khẩu để rồi không chú trọng vào khâu kiểm soát chất lượng, đánh mất thị trường", ông Thướng nói.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý về bao bì, nhãn mác sản phẩm. Ông cho biết có nhận được một số than phiền rằng tại sao sản phẩm thanh long Việt Nam mà có nhãn mác nước ngoài. Trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc - Ấn Độ, Việt Nam cũng cần thận trọng ở khâu này để tránh sản phẩm của mình bị khách hàng tẩy chay do hiểu lầm.
Đặc biệt, liên quan tới vấn đề kiểm soát virus SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm xuất khẩu, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ (chuyên xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Úc) cho rằng, Việt Nam cần sớm kích hoạt thực hiện "Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay thùng hàng". Điều này sẽ giúp ngăn chặn việc nhiễm virus trên bao bì sản phẩm ảnh hưởng tới việc xuất khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thanh long và đảm bảo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu thanh long cũng như các mặt hàng nông, thủy sản khác sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
UBND các tỉnh cần rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long nói riêng và các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch nói chung.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương thông tin tới các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long; đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại. Hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.
Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản.
Ông Trần Thanh Nam Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Các cơ quan chức năng trong Bộ NN&PTNT cần phối hợp với địa phương để giải quyết từng vấn đề, tránh tình trạng đổ thừa trách nhiệm cho nhau. Làm sao phải vì mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Trong đó, các đơn vị kiểm dịch thực vật bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kỹ thuật của thị trường nhập khẩu thì cần có quy định 5K về chống dịch, làm sao để hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu không bị nhiễm khuẩn COVID-19 trên bao bì. Việc này cần phải làm ngay, kiên quyết không để một doanh nghiệp vi phạm mà ảnh hưởng tới cả ngành hàng. Ông Phạm Ngọc Thành Phó Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Từ khi biết nông sản Việt phải quay đầu, khó xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng tôi đã thu mua 3-5 container xoài mỗi ngày để chế biến. Dự kiến sản lượng chế biến các mặt hàng như xoài, chanh leo, dứa còn có thể gia tăng hơn nữa do công suất của các nhà máy vẫn còn dư thừa, trong khi thị trường tiêu thụ rất tốt. Vấn đề là sản phẩm nông sản Việt phải đạt được chất lượng. TS. Đặng Kim Sơn Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Kim ngạch xuất khẩu nông sản gia tăng theo từng năm, năm 2021 đạt gần 49 tỷ USD. Do vậy, cách sản xuất cần phải thay đổi, bài bản hơn. Nhà nước cần có chiến lược phát triển để tránh tập trung vào một thị trường, cần đầu tư phát triển đa dạng kênh vận tải, tổ chức phòng dịch hợp lý ở các cửa khẩu chính. Đồng thời, các địa phương cũng cần tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cho phép rải vụ, có tiêu chuẩn phù hợp thị trường. |
Nhật Linh