Khi được hỏi về các xu hướng phát triển trên thị trường logistics đối với chuỗi giá trị nông sản cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ông Lương Duy Hoài, Chủ tịch HĐQT công ty Giao Hàng Nhanh, cho rằng có ba xu hướng quan trọng hiện nay cũng như những năm tiếp theo quan hệ mật thiết với ngành hàng nông sản.
"Bắt sóng" xu hướng
Thứ nhất là xu hướng mở rộng các chuỗi cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mini. Đơn cử, 5 năm về trước ở Tp.HCM hay Hà Nội chỉ có vài chục cửa hàng tiện lợi, nhưng hiện tại có khoảng 2.000 cửa hàng và trong 5 năm tiếp theo sẽ là 10.000 cửa hàng với doanh số khoảng 3,5 tỷ USD. Trong 3,5 tỷ USD này có 10 - 20% là sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Xu hướng thứ hai là thương mại điện tử (TMĐT). Cách đây khoảng 5 năm, thị trường TMĐT ở Việt Nam rất nhỏ, khoảng 200 triệu USD, nhưng năm 2018 đã vào khoảng 4 - 5 tỷ USD. Trong 5 năm tới, TMĐT ở Việt Nam có thể sẽ có doanh số 15 - 20 tỷ USD, trong đó 1 - 2 tỷ USD là sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Thứ ba là xu hướng các dịch vụ tích hợp. Người tiêu dùng cần một sản phẩm gì đó thì chỉ trong 30 phút hay một tiếng đồng hồ là sẽ được phục vụ. Như ở Tp.HCM và Hà Nội mỗi ngày có khoảng 100.000 lượt đặt hàng như vậy với giá trị của phân khúc thị trường khoảng 300 triệu USD.
Trong 5 năm nữa, theo số liệu dự đoán thị trường, phân khúc này ở Việt Nam sẽ vào khoảng 2 tỷ USD, trong đó sẽ có khoảng 20% bán hàng về nông lâm thuỷ sản, dĩ nhiên là không thể thiếu mặt hàng quan trọng là trái cây.
Với ba xu hướng mới nêu trên, theo đánh giá của ông Hoài, tổng doanh số của thị trường sẽ vào khoảng 20 – 30 tỷ USD trong vòng 5 năm nữa, với 10 – 20% là nông lâm thuỷ sản và chắc chắn các xu hướng mới có liên quan mật thiết tới doanh nghiệp (DN) ngành hàng nông sản.
Trước những xu hướng như vậy, giới chuyên gia cho rằng nông sản Việt cần "chơi lớn" dựa trên nền tảng đòn bẩy logistics. Nói một cách nôm na như lời của ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, là cần tạo dựng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao định hướng thị trường trên nền tảng logistics. Và ngành rau củ quả đang áp dụng thí điểm mô hình này với những kết quả rất khả quan.
DN lớn tạo đòn bẩy logistics sẽ giúp nông sản Việt "chơi lớn" |
Kỳ vọng doanh nghiệp lớn
"Mô hình này cũng kết hợp được khu vực kinh tế tư nhân là các DN lớn đầu tư vào chuỗi giá trị để tạo lập thị trường và mở các nhà máy lớn, từ đó tạo ra hệ thống tổng kho, các trung tâm hỗ trợ nông dân và kết nối với khu vực kinh tế hợp tác xã", ông Thành chia sẻ.
Ở góc độ một DN lớn đang bước đầu đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản dựa trên đòn bẩy logistics, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết chiến lược của công ty trong thời gian tới là phát triển logistics chuyên dụng cho nông – lâm nghiệp.
Theo đó, Thaco sẽ phát triển cảng Chu Lai (Quảng Nam) thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực miền Trung – Tây Nguyên thông qua các dịch vụ: cảng, vận tải biển, vận tải đường bộ, vận tải nông sản, kho hàng, kho lạnh chuyên dụng.
Với dự án khu công nghiệp (KCN) nông – lâm nghiệp được khởi công mới đây tại Chu Lai có diện tích 451ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng tới 8.118 tỷ đồng, Thaco sẽ đẩy mạnh khai thác hàng đối lưu cho các tuyến vận chuyển quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đến Chu Lai.
Hơn nữa, Thaco cũng đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn tại cảng Chu Lai và nâng cấp hạ tầng cảng, kho bãi, năng lực vận chuyển, trang thiết bị xếp dỡ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác các dịch vụ logistics.
Ông Dương cho biết việc đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại KCN nông – lâm nghiệp Chu Lai để sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc cho các nhà máy vệ tinh sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống.
Ngoài ra, từ cảng Chu Lai được nâng cấp sẽ xuất khẩu trái cây tươi nhiệt đới cho các thị trường như: Trung Quốc với phân khúc cao cấp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu.
Với đòn bẩy logistics cho nông sản Việt, ngoài sự tham gia của khu vực tư nhân là các DN lớn, giới chuyên gia quốc tế nhấn mạnh vấn đề quan trọng là nên xem lại về phân bổ nguồn lực công hiện nay đối với lĩnh vực logistics giữa các vùng miền đã tối ưu hay chưa nhằm thực hiện các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (ARP).
Điều này đòi hỏi phải đánh giá về lợi thế so sánh và vai trò của từng vùng miền về mặt đóng góp cho chuỗi giá trị nông sản bền vững. Chẳng hạn, để vừa tăng sản lượng các sản phẩm nông sản đem lại giá trị gia tăng cao hơn, như trái cây và hải sản, với "thủ phủ" nông sản của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long rất cần được đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực logistics.
Thế Vinh