Ghi nhận trên địa bàn TP.Hà Nội, bà Hoàng Thị Lệ Mỹ, Giám đốc chi nhánh xăng dầu - Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Thành, cho biết tình hình mua bán xăng dầu sau dịp Tết, đặc biệt là ngày 8, ngày 9/2 đã tăng 1,5 lần so với bình thường.
Tiêu dùng tăng, doanh nghiệp càng bán càng lỗ
Theo bà Mỹ, với mức giá bán hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ. Nếu lỗ vốn trong thời gian ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ cố gắng tri ân với khách hàng, tuy nhiên nếu để lỗ vốn trong thời gian dài thì không doanh nghiệp nào chịu được.
Dự báo giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày mai 11/2. |
Đại diện xăng dầu Hà Thành cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu sát với giá thị trường để cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đỡ vất vả như trong giai đoạn hiện nay.
Theo Sở Công Thương TP.Hà Nội, sau khi Thành phố ngừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 21/9/2021, đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thủ đô trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng nhanh so với giai đoạn trước. Đặc biệt, dịp trước Tết Nguyên đán Nhâm dần nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao hơn bình thường khoảng 30%, đến nay tình hình tiêu thụ xăng dầu đã trở lại bình thường.
Mặt khác, do giá xăng dầu thế giới đang tăng cao và chưa đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu (dự kiến ngày 11/2) nên chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu để cho các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền thương mại giảm xuống thấp.
Theo báo cáo của các thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, hiện nay chiết khấu không đủ bù đắp chi phí, mỗi lít xăng bán ra lỗ khoảng 50 - 200 đồng (chưa tính chi phí điện nước và trả lương công nhân).
Trong năm 2021, mặc dù thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải căng mình chống lại đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất và đi lại bị gián đoạn, tuy nhiên giá xăng dầu vẫn không vì thế mà giảm đi. Năm 2021, giá xăng tại Việt Nam đã có tới 16 lần tăng giá cao gấp hơn 3 lần so với số lần giảm. Vì vậy, tổng kết năm 2021, giá bán lẻ xăng dầu đã tăng hơn 41% so với cuối năm 2020.
Trong tháng 1/2022, giá xăng dầu trong nước có 2 đợt điều chỉnh tăng (ngày 11/1 và 21/1). Đợt 1, giá xăng dầu điều chỉnh tăng từ 609 đồng/lít tùy loại. Đợt 2, tăng từ 436 đồng đến 664 đồng/lít tùy loại.
Linh hoạt điều chỉnh giá, có thể 3-5 ngày một lần
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đang tăng cao nhưng do theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu/lần, lần gần đây nhất ngày 1/2/2022 không thực hiện điều chỉnh (do trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Phải đợi đến ngày 11/2/2022 mới thực hiện điều chỉnh nên chiết khấu giá xăng dầu xuống thấp, nguồn hàng có hiện tượng chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn đang cân đối nguồn hàng, tính toán ngay nếu thấy nguồn cung không ổn thì phải lên kế hoạch nhập khẩu, nhưng phải mất tới 45 ngày mới về nên phải tính toán chủ động nguồn hàng, nếu hụt nguồn thì phải chủ động ngay.
Tuy nhiên, bà Thắng cũng bày tỏ lo ngại về việc điều chỉnh giá xăng dầu, do bị lỡ nhịp điều chỉnh nên không nhất thiết phải đến kỳ mới điều chỉnh bởi tình hình đang rất căng thẳng nên mong mỏi Bộ Công Thương tính toán giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu quan điểm cần điều chỉnh lại thị trường xăng dầu, thực tế vừa qua là bài học, tình huống để lành mạnh hóa thị trường. Khan hiếm xăng dầu là hiện tượng mang tính cá biệt, đâu đó có một số cửa hàng ở một vài vùng và địa phương thiếu hàng, không mang tính chất đại diện về vấn đề đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường. Có cửa hàng dừng bán hàng, đưa ra lý do thiếu hàng đã làm ảnh hưởng rất lớn.
Tuy vậy, đại diện Petrolimex cũng nêu ra khó khăn về việc lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, khiến các doanh nghiệp xăng dầu phải tính tới việc nhập khẩu nhưng gặp phải khó khăn là bị bên bán ép giá, nâng giá bán.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc "lỡ nhịp" điều hành xăng dầu ngày 1/2 (vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) là một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp thua lỗ, không mặn mà kinh doanh xăng dầu, nên dẫn tới tình trạng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động ở nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu... Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ có kiến nghị Chính phủ để có biện pháp điều chỉnh phù hợp trong điều kiện cung cầu thị trường, giá cả diễn biến bất thường.
"Sắp đến kỳ điều hành mới, kỳ này sẽ công bố điều chỉnh giá vào ngày 11/2. Tuy nhiên, ở các kỳ tiếp theo báo cáo linh hoạt hơn, không nhất thiết 10 ngày, mà có thể 3 ngày - 5 ngày điều chỉnh cho phù hợp", ông Diên cho biết.
Dự báo giá xăng dầu tăng mạnh vào ngày mai (11/2) Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 8/2 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng mạnh so với kỳ điều chỉnh trước (ngày 21/1/2021). Bình quân xăng RON 92 có giá 105,40 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 107,18 USD/thùng. Dầu hỏa 104,41 USD/thùng, dầu Diesel 108,59 USD/thùng, dầu mazut 517,96 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp nếu không chi quỹ Bình ổn, giá xăng dầu có thể tăng mạnh tới 1.000 đồng/lít/kg vào kỳ điều chỉnh ngày mai (ngày 11/2). |
Lê Thúy