Trao đổi với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Bắc Bình (Bình Thuận), đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm quả thanh long tươi, gạo thơm... cho biết, từ trước đến giờ mới chỉ nghe tới các sản phẩm từ thanh long như sấy khô, ép dẻo, làm bột... còn việc sử dụng chế phẩm của thanh long như giải cành làm phân hữu cơ, hay việc sử dụng rơm để bán ra tiền là vấn đề mà từ trước đến giờ HTX cũng ít quan tâm, chưa từng nghĩ tới việc kinh doanh các sản phẩm này.
Mỗi tấn rơm bán trên Amazon tới 100 USD
Bà Phụng cho hay nhờ đi học hỏi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại mới thấy quả thanh long có thể chế biến được nhiều sản phẩm đến vậy. Hiện nay, nhu cầu từ sản phẩm thanh long của Việt Nam ở thị trường thế giới là rất lớn, song vấn đề của trái thanh long là có sản xuất đúng nhu cầu, chất lượng mà thị trường thế giới cần hay không, chứ chưa nói tới câu chuyện kinh doanh phụ phẩm thế nào. Theo đó, trái thanh long của HTX dù đã xuất khẩu được sang thị trường EU nhưng với số lượng còn khiêm tốn, phần lớn vẫn xuất khẩu qua Trung Quốc.
Collagen có thể được chế biến từ da cá tra. |
Đây cũng là thực trạng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải, thực tế cho thấy hiện nay thị trường phụ phẩm nông nghiệp vẫn đang là khoảng trống do có rất ít doanh nghiệp (DN), HTX quan tâm.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường thì trên Amazon mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD/tấn. Ông Chinh cho biết, hiện khối lượng rơm, phụ phẩm của trồng lúa sau thu hoạch của Việt Nam lên đến 43 triệu tấn/năm.
Trên thực tế rơm có thể sử dụng được rất nhiều mục đích trong sản xuất của ngành nông nghiệp, như làm phân bón, làm đệm lót sinh học… Tuy nhiên, trong số 43 triệu tấn rơm thì chỉ có khoảng 23% được sử dụng trong chăn nuôi, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được. Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết.
Theo ông Chinh, muốn khai thác được nguồn phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ, phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có hệ thống máy tuốt lúa, đồng thời cuốn được cả rơm, xử lý hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.
"Trên Amazon, mỗi tấn rơm được bán với giá 80 - 100 USD/tấn, như vậy, mỗi năm chúng ta đã đốt bỏ 2 - 3 tỷ USD", ông Chinh nói.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, các phụ phẩm từ thủy sản có thể chế biến ra các sản phẩm với giá trị rất cao như: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra... thường ở các nhà máy hiện đại đầu tư công nghệ cao; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân... Hoặc làm phân bón hữu cơ...
Song hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4 - 5 tỷ USD.
Cần sự đồng hành của Nhà nước
Trong những năm gần đây đã xuất hiện những mô hình công ty chế biến thủy sản đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm mang lại gia trị gia tăng cao như Công ty CP Vĩnh Hoàn Collagen ở tỉnh Đồng Tháp là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; từ năm 2015, Công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Hay công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Chitosan sản xuất Chitin từ vỏ tôm, xương mực; sản xuất chitosan và phân bón hữu cơ từ phụ phẩm chế biến thủy sản.
Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho nuôi... có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các doanh nghiệp chế biến, phát triển phụ phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn.
Lý giải nguyên nhân khiến DN, HTX nông nghiệp vẫn chưa biết đến, chưa mặn mà trong việc kinh doanh phụ phẩm nông nghiệp, đại diện một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cho biết điều này cần có vai trò của Nhà nước. Nếu để thực hiện có hiệu quả, lan tỏa nhanh trong việc đẩy mạnh phát triển thị trường này thì phải xác định vai trò của các bên là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
"Tôi kiến nghị các dự án nông nghiệp khi trình duyệt để xin đầu tư ở DN, HTX cần có tiêu chí về việc sử dụng phụ phẩm như thế nào để hưởng các cơ chế ưu đãi, ưu tiên của Nhà nước", ông nói.
Vị đại diện DN trên cũng cho biết, DN chăn nuôi liên kết với hàng ngàn hộ nông dân, khi thấy lợi ích thì người dân sẽ làm. Trong các phương án sản xuất của HTX cần xem nội dung xử lý phụ phẩm phế thải nông nghiệp là cách thức để Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, động viên khuyến khích cho thành viên HTX, để họ nhận ra lợi ích, tận dụng nguồn lực từ phân khúc mà bấy lâu nay coi đó là chất thải.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp nếu chúng ta chịu suy nghĩ. Chúng ta đừng suy nghĩ rằng bán sản phẩm thô cho nhanh mà không cần quan tâm phụ phẩm của nó sẽ còn làm được những gì. Ở thế giới, người ta liên tục đặt câu hỏi: "Tôi tạo ra sản phẩm này rồi, nhưng liệu có thể tạo ra sản phẩm khác có giá trị cao hơn không và luôn tìm giải pháp công nghệ để giải quyết câu chuyện này", ông Hoan dẫn chứng.
Tuy vậy, Bộ trưởng NN&PTNT cũng chia sẻ, câu chuyện này nói thì dễ nhưng để bắt đầu từ đâu thì rất khó. "Lâu nay, chúng ta vẫn quá quen thuộc với chuyện "tôi bán được sản phẩm rồi đừng xúi tôi làm gì theo hướng khác. Chúng ta dễ chấp nhận, bằng lòng với cái mình đang có. Trong khi đó, người ta hướng về cái chưa có", Bộ trưởng Hoan nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta muốn làm kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu bằng việc đẩy mạnh nghiên cứu tại các viện, trường, từ đó tạo ra các sản phẩm sau thu hoạch. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng cần quay lại tìm giá trị ở các phế phẩm bỏ đi. Điều này nằm ở câu chuyện chính sách.
Thy Lê