Dự kiến đầu tháng 8 mở lại đường bay quốc tế giữa Việt Nam với một số nước (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Đề xuất này của Bộ GTVT nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về khôi phục đường bay quốc tế vận chuyển hành khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế sẽ có một số khó khăn.
Vận hành ra sao?
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các chuyến bay quốc tế thường lệ để chở khách từ Việt Nam đi và vận chuyển hàng hóa hai chiều. Còn các sân bay Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ vẫn sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ chở công dân và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, toàn bộ các chuyến bay thường lệ nêu trên đều tuân thủ việc chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Các chuyến bay có chở khách vào Việt Nam đều trong đối tượng ưu tiên đưa vào Việt Nam như công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia... và đều thực hiện cách ly theo quy định.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia).
Phân tích diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép mở lại 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Cụ thể, tạm thời khai thác 1 chuyến/tuần cho mỗi bên với các đường bay: Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội, Đài Bắc - TPHCM, Viêng Chăn - Vân Đồn, Phnôm Pênh - Cần Thơ.
Với tần suất trên, dự mỗi tuần sẽ có khoảng 3.000 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, thuê chuyến chở chuyên gia về với khoảng 1.500 người/tuần).
Về thời điểm dự kiến đầu tháng 8 sẽ thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên. Điều kiện là khách có visa hợp lệ, thực hiện cách ly phòng dịch khi nhập cảnh. Hành khách sẽ cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tổ bay thực hiện như áp dụng hiện nay với các tổ bay thực hiện chuyến bay quốc tế (bay quốc tế không được bay nội địa, về nước ở địa điểm riêng, muốn bay nội địa phải cách ly 14 ngày).
Nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam tăng mạnh
Theo người đứng đầu Chính phủ, nhu cầu nhập cảnh Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia và lưu học sinh nước ngoài... đang tăng rất mạnh. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng và thiết thực này theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, cách ly trong nước.
Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế sẽ có một số khó khăn. Cụ thể, các hãng hàng không Việt Nam khó đảm bảo nguồn nhân lực là phi công, tiếp viên để khai thác đồng thời mạng đường bay nội địa và quốc tế. Vì tổ bay quốc tế chỉ chuyên bay quốc tế, hoặc phải cách ly 14 ngày nếu muốn phục vụ bay nội địa.
Trong khi đó, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang sửa chữa, công suất giảm còn 60-70% so với thông thường.
Ngoài ra, hiện nay, hai sân bay cửa ngõ Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang đóng một đường băng để sửa chữa nên năng lực khai thác mỗi sân bay chỉ còn khoảng 70% so với khi khai thác đồng thời hai đường băng.
Nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại cả hai sân bay cửa ngõ của Việt Nam, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ như chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ hướng dẫn này sẽ là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.
Huyền Anh