Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. |
Ngày 12/7 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 850 đồng/lít lên tối đa 20.610 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 867 đồng/lít lên 21.783 đồng/lít… Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng hơn 4.000 đồng/lít.
Giá hàng tiêu dùng "nhấp nhổm"
Khảo sát của VnBusiness tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Xanh (Hoàng Mai)…, giá các mặt hàng rau, củ, quả những ngày qua vẫn ổn định.
Tuy nhiên, các mặt hàng thịt cá tươi sống rục rịch tăng giá. Cụ thể, thịt gà tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg lên 100.000 - 120.000 đồng/kg; thịt bò tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg lên 200.000 - 280.000 đồng/kg; cá trắm tăng 10.000 đồng/kg từ 55.000 lên 65.000 đồng/kg...
Riêng mặt hàng thịt lợn không biến động do giá lợn hơi tại các trang trại đang xuống thấp, dao động trong khoảng 59.000 - 64.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt ba chỉ, sườn, thịt nạc vẫn ở mức cao 150.000 đồng/kg, bằng thời điểm giá lợn hơi ở mức 75.000 - 85.000 đồng/kg hồi đầu năm.
Chị Hồ Thị Hương, tiểu thương tại chợ Xanh (Hoàng Mai) chia sẻ: “Hai ngày qua, giá rau tại các chợ đầu mối tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng chưa thể tăng vì lý do giữ khách trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Thế nhưng, với đà tăng của giá xăng như vừa qua, nhiều tiểu thương nhận định, cùng với những khó khăn về di chuyển do dịch bệnh khiến cho chi phí vận chuyển hàng đến chợ tăng theo, buộc giá cả các mặt hàng cũng sẽ bị đẩy lên. Chị Hồng Ngân, đầu mối cung cấp rau củ tại chợ Nghĩa Tân cho biết, đa số các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với tháng 3 và cuối tháng 4. Với tình hình này, rất có thể những tháng tới, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá.
Thực tế, nhiều người dân, doanh nghiệp đã có phản hồi không mấy tích cực về giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh dịch dịch Covid-19 hoành hành đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt.
Biến động giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp vào ví tiền của người dân. Chị Nguyễn Thanh, ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước đi làm đổ xăng xe chỉ mất 80.000 đồng/tuần thì nay lên đến hơn 100.000 đồng. “Không chỉ tiền xăng xe đội lên, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ thừa dịp này tăng theo giá xăng dầu”, chị Thanh lo ngại.
Cần kiểm soát biến động thị trường
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến các doanh nghiệp lao đao, việc giá xăng dầu tăng đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế “khó chồng khó”. Bởi, khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo và đương nhiên dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Quang, giám đốc một công ty vận tải tại Hà Nội cho hay, giá xăng dầu tăng mạnh tác động đến cả nền kinh tế và đời sống xã hội, kinh doanh của các doanh nghiệp. Xăng dầu chiếm tới 40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá liên tiếp tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp khó.
“Nếu trong chu kỳ điều hành tới, giá xăng không giảm, doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá cước, dù lượng xe đang “đắp chiếu” hơn một nửa do không có đơn hàng. Đến nay, doanh nghiệp không thể bù lỗ thêm được nữa”, ông Quang chia sẻ.
Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng khiến tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa, để có thể kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc trước mắt là cần tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần khuyến khích sản xuất để nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào nhằm ổn định thị trường. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.
Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán nhằm tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
Hoàng Hà