Giá sắt, thép tăng mạnh thời gian qua do nguyên liệu đầu vào tăng. |
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, một số mặt hàng có giá tăng thời gian đầu năm 2021 do nguyên liệu đầu vào, nhu cầu tăng cao, như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là thép), có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu.
Đối với mặt hàng do nhà nước định giá, như giá vé máy bay, theo Bộ Tài chính, dù các hãng có tăng phí quản lý hệ thống trong chi phí giá vé, nhưng vẫn đảm bảo bảo giá vé trong khung cho phép.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, việc tăng giá trên tạo áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước, nhưng đã được tính toán trong kịch bản điều hành giá, đã có giải pháp chủ động điều hành giá, để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 ở mức dưới 4%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giá tiêu dùng (CPI) các tháng tiếp theo của năm 2021 tăng đều theo tỷ lệ như nhau, thì mỗi tháng vẫn còn dư địa tăng 0,84%, vẫn đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm dưới 4%.
Tuy nhiên, cơ quan điều hành giá nhận định, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, như giá nhiên liệu, xăng dầu, thép thế giới có thể tiếp tục tăng đột biến kéo giá trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng của người dân, có thể đẩy giá một số mặt hàng tăng theo…
Do đó, các tháng cuối năm, theo Bộ Tài chính, vẫn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả trên cả nước, như quản lý giá thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, y tế, sách giáo khoa, đất đai, bất động sản...
Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã có ý kiến chỉ đạo về công tác quản lý, điều hành giá. Trong đó, đã đề ra các biện pháp và giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021; Vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành trong điều hành giá các mặt hàng cụ thể trong đó có việc quản lý giá thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, sách giáo khoa, đất đai, bất động sản...
Thanh Hoa