Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cảnh báo, nếu không cẩn thận hàng Việt sẽ bị "vạ lây" – chịu các đòn trả đũa thương mại từ chính hai quốc gia này.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là cơ hội đẩy mạnh hàng dệt may xuất khẩu (XK) vào Mỹ.
Tuy nhiên, DN không nên quá kỳ vọng điều này, bởi các công ty nhập khẩu của Mỹ sẽ không bao giờ "bỏ hết trứng vào một giỏ". Nói cách khác, họ sẽ mua hàng dệt may từ nhiều nước chứ không riêng Việt Nam.
Cơ hội mịt mờ, nguy cơ thấy rõ
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy, Túi xách Việt Nam, cho biết nếu các khách hàng lớn quyết định chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh trường hợp bị đánh thuế cao, tăng trưởng XK của ngành da giày, túi xách Việt Nam có thể nhỉnh hơn dự kiến ban đầu (kỳ vọng đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng trưởng 9-10% so với năm 2017).
Tuy nhiên, ông Diệp lo ngại các DN Trung Quốc không XK được vào thị trường Mỹ sẽ tìm nơi sản xuất thay thế và chắc chắn Việt Nam là một trong những địa điểm được ưu tiên hàng đầu.
Trên thực tế, hiện nay, Trung Quốc đang hạ giá đồng Nhân dân tệ để tìm mọi cách XK sản phẩm với giá thành rẻ hơn vào một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ông Hoàng Hữu Chương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nguyễn Hoàng, bày tỏ quan ngại, hàng dệt may Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam với số lượng lớn. "Việc giá đồng Nhân dân tệ giảm khiến hàng may mặc của chúng tôi bị ảnh hưởng ngay tại sân nhà", ông Chương chia sẻ.
Nguy hiểm hơn, theo ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), DN Trung Quốc có thể chuyển hẳn sang đầu tư tại Việt Nam và có sản xuất một số khâu nhất định rồi XK. Những hình thức lẩn tránh như vậy rất khó để nhận ra.
Không chỉ lo ngại hàng hóa Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cảnh báo hàng tạm nhập tái xuất nông sản của Mỹ sẽ vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Phải cẩn thận vì Trung Quốc có thể kiểm tra toàn bộ hàng nông sản của Việt Nam, nếu vậy Việt Nam sẽ lâm vào tình thế rất khó khăn khi phần lớn nông sản vẫn phụ thuộc vào thị trường lớn này.
Không chỉ lo mất "sân nhà", nếu không cẩn thận, hàng Việt sẽ bị "vạ lây" – chịu các đòn trả đũa thương mại |
Nâng cao năng lực doanh nghiệp
Bên cạnh đó, ở chiều xuất, Việt Nam càng phải quan tâm vấn đề sắt thép tạm nhập tái xuất của Trung Quốc sang Mỹ hoặc sắt thép Trung Quốc gắn mác Việt để xuất sang Mỹ.
"Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị vạ lây khi Mỹ đánh thuế với chính chúng ta. Việt Nam cần phải tránh và tránh cho bằng được tình huống xấu này", ông Cung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không đảm bảo môi trường. Vì vậy, các DN thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
VSA khẳng định, cơ bản sản xuất thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu, vì vậy, Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có chăng chỉ thu hút đầu tư vào các loại thép cao cấp như thép hợp kim, không gỉ, thép chế tạo.
Đồng thời, đại diện VSA đề xuất Nhà nước có các chính sách hỗ trợ ngành thép như sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép trong nước, tránh tình trạng thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt tràn vào gây bất lợi cho thép Việt. Với mạng lưới thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cung cấp thông tin hữu ích giúp ngành thép mở rộng thị trường.
Trước sức ép cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá VND, nhưng ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cho rằng khó dùng giải pháp tiền tệ làm chủ đạo để xử lý vấn đề của nền kinh tế thực, phá giá VND có thể gây áp lực lạm phát dẫn tới bất ổn vĩ mô. Hơn nữa, tư duy này không còn phù hợp trong chuỗi giá trị.
Ông Dương cho rằng trong bối cảnh bất ổn thương mại hiện nay, ổn định kinh tế vĩ mô phải là ưu tiên, song cách thức ứng phó phải linh hoạt: không chỉ dựa vào công cụ tiền tệ (đặc biệt là tỷ giá) mà cần phải đẩy mạnh cắt giảm các loại chi phí giúp DN nâng cao sức cạnh tranh.
Quan trọng nhất, để đối phó với những thách thức này, các DN nên tập trung xây dựng năng lực nội tại vững chắc, tăng cường đầu tư công nghệ song song với việc chủ động nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Thy Lê