Ngày 15/10, một xe hàng bảo quản lạnh, chở 2.700 quả dừa tươi Việt Nam, đã thông quan và nhập cảnh thuận lợi thông qua cửa khẩu Hà Khẩu ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giáp với cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam). Lô hàng dừa tươi này có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre, với tổng trọng lượng 21,6 tấn, trị giá 110.000 Nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD), là lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên nhập khẩu bằng đường bộ vào Trung Quốc.
Theo thống kê, trong 3 quý đầu năm 2024, hải quan Hà Khẩu giám sát nhập khẩu 734.000 tấn trái cây Việt Nam, với trị giá 8,11 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,14 tỷ USD), tăng lần lượt 26,9% và 143,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng dừa tươi của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh với các đơn hàng lên đến hàng nghìn container |
Trong thời gian tới, hải quan Hà Khẩu sẽ kết hợp các đặc điểm của thương mại Trung Quốc-Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hải quan thông minh và cửa khẩu thông minh, nhằm giúp thương mại Trung Quốc-Việt Nam đạt đến một tầm cao mới.
Cũng trong ngày 15/10, một lô hàng dừa tươi Việt Nam, với trọng lượng 22,4 tấn, trị giá 98.000 Nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD) đã được vận chuyển đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan thuộc thành phố Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cũng đã thông quan vào thị trường Trung Quốc, sau khi được kiểm tra đạt yêu cầu. Đây là lần đầu tiên dừa tươi Việt Nam được thông quan qua cửa khẩu Quảng Tây vào Trung Quốc sau khi được cơ quan chức năng nước này cấp phép mở cửa thị trường từ tháng 8 vừa qua.
Kể từ khi triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam có thêm 4 loại trái cây mới được Trung Quốc cho phép nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan gồm sầu riêng, chuối, dưa hấu, dừa.
Dừa đang trở thành một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành. Dừa cũng là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn và 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa. Trong đó sản lượng dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 30% nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sạch, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như dừa, tăng cao tại thị trường Trung Quốc.
Hiện Việt Nam có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong số 93 quốc gia trên toàn thế giới. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh).
Lãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu 30-50 container, thậm chí có doanh nghiệp ký đơn hàng cung ứng 1.500 container dừa sang Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường dừa Việt Nam tại Trung Quốc. Việc mở cửa được thị trường Trung Quốc cho quả dừa tươi là tín hiệu rất tốt không chỉ cho ngành dừa mà còn giúp người dân tăng thu nhập.
Hiệp hội Dừa Việt Nam dự kiến xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc đạt 250 triệu USD năm nay, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Năm ngoái, dừa tươi xuất sang thị trường này đạt 606.000 tấn, tăng 120% so với 2018, theo dữ liệu của Hiệp hội trái cây Trung Quốc.
Ngoài dừa tươi, Trung Quốc còn chuộng các sản phẩm chế biến như nước cốt dừa, sữa dừa, dừa sấy và thạch dừa... Xu hướng tiêu dùng thạch, dầu và nước dừa gia tăng nhờ lợi ích sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thạch dừa giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim mạch.
Hồng Hương