Với “thủ phủ” dừa lớn nhất cả nước là tỉnh Bến Tre, theo nhóm nghiên cứu thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre và Đại học Quốc gia Tp.HCM, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh này đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp mã số đối với các vùng trồng dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, đáp ứng đủ điều kiện theo công văn hồi tháng 3 năm 2023 của Bộ NN&PTNT, cũng như các yêu cầu được nêu trong “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam XK sang Trung Quốc”.
Tập trung phát triển mã số vùng trồng dừa
Theo nhóm nghiên cứu này, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi XK với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.
Thêm cơ hội mới được mở ra với ngành hàng sầu riêng khi sầu riêng cấp đông được xuất chính ngạch vào Trung Quốc với kỳ vọng sẽ thu về thêm được 300 - 500 triệu USD/năm. |
Nhóm nghiên cứu nêu trên cũng cho biết trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Bến Tre sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha; trong đó có 20.000 ha sản xuất hữu cơ; khoảng 2.000 ha được cấp mã số vùng trồng.
Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp (DN) chuyên tập trung vào XK các loại dừa truyền thống, theo ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây MeKong, bên cạnh việc phấn khởi khi xuất chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc thì thách thức đặt ra cũng rất lớn đối với các đơn vị quản lý mã vùng trồng cũng như việc thực hiện tốt các hợp đồng liên kết thu mua với người trồng dừa một cách thường xuyên và ổn định theo thỏa thuận.
Ông Thuật lưu ý điều này cũng nhằm tránh những hạn chế, bất cập đã từng xảy ra như đối với một số mặt hàng nông sản trước đó. Về phía công ty sẽ mở rộng liên kết vùng trồng, hỗ trợ nhà vườn kiến thức kỹ thuật canh tác dừa uống nước theo hướng chất lượng cao, cố gắng làm sao giữ cho thị trường XK ổn định, không vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đánh mất thị trường.
Đứng ở góc độ quản lý, như lưu ý mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cần hỗ trợ hình thành các hình thức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nhằm trao đổi sản xuất, chia sẻ thông tin thị trường và liên kết với các công ty, ký kết bao tiêu sản phẩm dừa. Nhất là cần tập trung chỉ đạo xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và quản lý tốt chất lượng để hướng đến XK sang thị trường Trung Quốc sau khi được mở cửa thị trường chính ngạch.
Về giải pháp phát triển ngành dừa trong thời gian tới, Cục Trồng trọt cho rằng cần thực hiện tốt theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT, ngày 26/01/2024, của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2030 diện tích trồng dừa là 195 – 210 nghìn ha, sản lượng 2,1-2,3 triệu tấn. Trong đó, vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long là 170-175 nghìn ha; vùng Duyên Hải Nam Trung bộ 16-20 nghìn ha, còn lại 9-15 nghìn ha tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Song song đó, có trên 30% diện tích được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Đầu tư cho khâu cấp đông sầu riêng
Còn đối với việc XK chính ngạch sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc sau khi nghị định thư được chính thức ký kết, giới chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn, trong đó có sầu riêng đông lạnh.
Như chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh mỗi năm cả tỷ USD. Và khi Việt Nam được XK sầu riêng cấp đông vào thị trường này thì kỳ vọng sẽ thu về thêm được 300 - 500 triệu USD/năm.
Cho nên các DN Việt cần tận dụng phân khúc này để đầu tư cho khâu sầu riêng cấp đông, bởi vì nó có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ việc bảo quản được đến 2 năm.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng việc XK chính ngạch sầu riêng cấp đông vào Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội về thị trường và chất lượng cho trái sầu riêng Việt. Nhất là giá thành sầu riêng qua cấp đông lại không ngừng tăng lên và việc tiêu thụ thuận lợi, chủ động hơn, không còn lệ thuộc mùa chính. Hơn nữa, việc chuyển hướng thu hoạch và bảo quản sầu riêng cấp đông sẽ giúp thay đổi quy trình và nhận thức canh tác của người nông dân, tạo ra những chuỗi giá trị đầu tư mới.
Theo bà Hạnh, với hướng bảo quản sầu riêng cấp đông, người nông dân cũng sẽ chủ động được lịch trình sản xuất của mình và tuân thủ tốt những yêu cầu canh tác, thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn được đặt ra.
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận thách thức cho sầu riêng cấp đông hiện nay ở Việt Nam là hệ thống các kho lạnh chuyên ngành, các kho bảo quản chất lượng cao vẫn còn những hạn chế nhất định.
Với kinh nghiệm tại một DN đang làm sầu riêng cấp đông, ông Trần Văn Vĩnh, người quản lý về kho lạnh của Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng, lưu ý so với hoạt động XK sầu riêng trái tươi hoặc cấp đông múi, chi phí đầu tư cho cấp đông nguyên trái cao hơn rất nhiều, từ lựa chọn trái, xử lý, chi phí cấp đông, chi phí lưu kho…
Nên nhắc thêm, để XK sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh XK từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.
Hơn nữa, phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh XK từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các DN đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các DN đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, DN mới có thể XK sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc.
Nói chung, với cơ hội mới đang mở ra cho dừa tươi và sầu riêng cấp đông khi được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, để “hưởng lợi” thì điều quan trọng là hai mặt hàng trái cây chủ lực này cần thực hiện tốt các giải pháp phát triển. Nhất là làm tốt khâu liên kết sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đầu tư vào giải pháp kỹ thuật cấp đông. Và khâu chính sách cũng cần hỗ trợ nhiều hơn vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển.
Thế Vinh