Trong hai ngày 11- 12/9/2024, Trung Quốc kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu. Đợt kiểm tra này của Trung Quốc đối với dừa tươi Việt Nam không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Thêm cơ hội với thị trường tỷ dân
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, đạt kim ngạch khoảng 250 triệu USD vào năm 2023, chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa cả nước.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, dừa là cây trồng có thế mạnh và đang mang lại thu nhập cho người dân tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Dừa cũng là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn. Trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn và 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa.
Xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. |
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang thị trường tỷ dân này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung thông tin, trong đợt kiểm tra này để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu, mỗi ngày sẽ có 3 đoàn kiểm tra song song, phía Trung Quốc lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra. Chính vì vậy, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng của HTX, doanh nghiệp cần bố trí đủ nguồn lực để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với HTX có vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó 2,6 tỷ quả phục vụ tiêu dùng ngay và 1,5 tỷ quả cho chế biến nhưng năng lực sản xuất của bạn chưa đáp ứng hết nên sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội rất tốt để tổ chức lại sản xuất, liên kết và mở rộng thị trường.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam) cũng cho rằng, đây là cơ hội để ngành dừa Việt Nam phát triển hơn. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức cho cơ quan quản lý và địa phương trong kiểm tra, giám sát các quy trình. Do đó, các bên phải phối hợp chặt chẽ, làm việc cùng với nhau để tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Còn thiếu chuỗi sản xuất bền vững
Bên cạnh những cơ hội từ thị trường mang lại, theo ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện ngành dừa cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu mua trái dừa tươi với số lượng lớn mà đạt được sự đồng đều về chủng loại, kích cỡ, chất lượng, hay chưa có nhiều vùng dừa nguyên liệu tập trung.
Ông Cao Bá Đăng Khoa dẫn chứng, do thiếu những vùng trồng tập trung cho từng chủng loại dừa xuất khẩu nên nếu một doanh nghiệp ký được một hợp đồng xuất khẩu 50 container dừa xiêm xanh, thì việc thu mua riêng loại dừa này là rất khó. Doanh nghiệp buộc phải mua tất cả các loại dừa trên cùng một địa bàn rồi mới phân loại ra để có những trái dừa phù hợp với yêu cầu của đối tác.
Là địa phương có diện tích trồng dừa đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, ông Kiều Văn Cang - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định - cho hay, tính đến năm 2023, diện tích dừa trên đất Bình Định có 9.353ha; trong đó, diện tích dừa xiêm (dừa uống nước) chiếm 24,5%, tương đương khoảng 2.292ha; năng suất bình quân đạt 119,3 tạ/ha, sản lượng 111.358 tấn/năm.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Định sẽ tăng diện tích dừa lên đến 10.000ha, trong đó có 9.700ha dừa kinh doanh, sản lượng đạt 116.400 tấn/năm. Dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội cho nông dân đang sở hữu gần 3.000ha dừa xiêm ở Bình Định. Hiện địa phương này đang hoàn tất thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho hơn 70ha dừa xiêm uống nước của 2 huyện Phù Cát và Hoài Ân. Bởi, mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Còn theo ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX trồng dừa Thành Trí (Trà Vinh), để chuẩn bị xuất khẩu dừa tươi trong thời gian tới, HTX đã chủ động hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu kỹ các điều kiện trong Nghị định thư để đảm bảo đáp ứng mọi tiêu chuẩn xuất khẩu.
“HTX không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất mà còn tăng cường kiểm tra, cập nhật thông tin và chính sách xuất khẩu để có kế hoạch phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn để các HTX và doanh nghiệp ngành dừa không chỉ tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc mà còn khẳng định vị thế của dừa Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phan Đức Tài nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới và xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. Trong đó, các thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới, đồng thời mở ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho nhiều địa phương chủ lực về dừa.
Hồng Hương