Tiền thân của HTX Hồng Xuân là Câu lạc bộ VAC (vườn - ao - chuồng) thuộc thôn Kép, xã Hồng Giang thành lập từ nhiều năm trước với mục đích giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn nuôi; giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế hộ và trang trại, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Sau khi vận động các hộ tự nguyện tham gia, nhóm sáng lập viên đã làm các bước thành lập HTX.
Đưa vải thiều vươn xa
Tháng 1/2008, HTX Hồng Xuân chính thức ra đời với 9 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 390 triệu đồng. Ngành nghề chính là sản xuất, tiêu thụ nông sản, chủ yếu là vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Trong quá trình tổ chức lại theo Luật HTX 2012, HTX quyết định nâng mức vốn điều lệ từ 390 triệu đồng lên 1 tỷ đồng, tăng số lượng thành viên lên 22 thành viên, rà soát hợp đồng ký kết giữa HTX và thành viên để nâng cao tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện và trung thực trong hoạt động, thực hiện đúng nguyên tắc, giá trị của HTX kiểu mới.
Được sự hỗ trợ của các cấp ngành và chính quyền địa phương, từ năm 2010, các thành viên được tập huấn nâng cao trình độ, chuyển giao kỹ thuật, tham gia các chương trình, dự án, sản xuất, chế biến vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX đã đầu tư di chuyển trang trại chăn nuôi sang các xã Quý Sơn và Thanh Hải để dành đất sản xuất sản phẩm chủ lực. Sản phẩm của HTX cũng được các cấp chính quyền cấp tem nhãn thương hiệu, có QR code truy cứu thông tin và tem truy xuất nguồn gốc.
Nhiều siêu thị đã tìm đến HTX để đặt hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cán bộ nông nghiệp cũng đến địa phương tham quan. Thôn Kép là một trong những vùng lõi trồng vải thiều của huyện. Người dân nơi đây có ý thức về giữ vệ sinh vườn, tuân thủ chặt các tiêu chuẩn GAP.
Trong năm 2018, HTX đã thu mua hơn 300 tấn vải thiều cho các thành viên. Bình quân mỗi năm,HTX sẽ xuất khẩu hơn 10 tấn vải sang các thị trường như Mỹ, Nga… Riêng mùa WorldCup 2018, công ty King Fruit đã thu mua 20 tấn vải thiều của HTX để xuất khẩu sang Nga phục vụ du khách.
HTX thu mua vải của thành viên |
Giữ vững thương hiệu
Ông Dương Văn Sinh (thôn Kép), người trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global, cho biết chăm sóc vải phải trông chờ nhiều vào thời tiết, trồng theo tiêu chuẩn GAP còn khó khăn hơn nhiều. Người trồng phải tuân thủ theo
người hướng dẫn, làm đúng các kỹ thuật, cách ly và sử dụng thuốc đủ tiêu chuẩn thì mới thu được quả đẹp. Từ khi còn non, quả vải được phun thuốc trừ sâu để loại sâu cuống, 10 - 15 ngày phun thuốc bón lá, nhưng khi thu hoạch thì phải cách ly ít nhất 15 ngày. Thời điểm thu hoạch vải thường tập trung trong 2 tháng, công tác vệ sinh vườn, thu hoạch, kết hợp tỉa cành được thực hiện liên tục.
Hơn nữa, đơn hàng của HTX yêu cầu chỉ mua quả loại 1, đạt đủ khích thước, độ chín và không bó túm nên khi thu hoạch thành viên không thu hoạch đại trà cả cây để bó túm mà chỉ hái tỉa lấy quả to, mã đỏ đẹp. Mặc dù thu hoạch với phương thức này mất thời gian hơn, nhưng bù lại giá thu mua của HTX luôn cao hơn so với giá thị trường nên thành viên HTX yên tâm hơn.
Nhờ đó, HTX Hồng Xuân cũng là đơn vị sản xuất vải thiều đầu tiên trong tỉnh được thẩm định đạt yêu cầu cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong những nămqua, nhưng HTX vẫn phải đối mặt với khó khăn về nguồn lực, vốn, mặt bằng xây dựng trụ sở và bảo vệ, giữ vững thương hiệu.
Trăn trở lớn nhất của các thành viên HTX hiện nay là phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong, ngoài nước nghiên cứu tìm giải pháp tối ưu trong bảo quản vải thiều sau thu hoạch để có thể giữ vải tươi trong thời gian dài song vẫn giữ nguyên chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường.
Với những diện tích vải thiều kém hiệu quả,HTX nhanh nhạy chuyển đổi sang trồng cam Canh với chất lượng vượt
trội, sản lượng ước tính khoảng 75 tấn, doanh thu khoảng 4,5 tỷ đồng; kinh doanh cây giống na, doanh thu khoảng 155triệu đồng. Cùng với đó, HTX chú trọng chăn nuôi gia cầm, ấp nở con giống cho doanh thu khoảng 2,8 tỷ đồng/năm.
Hồng Nhung