Phạm vi của khu vực kinh tế chưa quan sát được bao gồm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót.
Tính toán rất khó khăn
Để thực hiện đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết sẽ khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết, toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế; loại hình sở hữu; ngành nghề lĩnh vực và địa bàn… từ đó xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa quan sát được.
Đồng thời, Tổng cục sẽ xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, đảm bảo toàn diện, khả thi và phù hợp. Các hình thức được sử dụng như điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách quản lý kinh tế và đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách, nghĩa vụ xã hội…
Theo đó, năm 2019 sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế, xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế, lựa chọn phương pháp đo lường, tiến hành đo lường thử nghiệm và đánh giá kết quả. Năm 2020 sẽ đo lường chính thức, cập nhật vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), các địa bàn tỉnh, thành phố, chỉ tiêu kinh tế – xã hội.
Tuy vậy, chính bản thân người đứng đầu ngành thống kê cũng thừa nhận việc tính toán không hề đơn giản, hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Lâm, khó khăn nhất là thành tố thuộc kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp và phi chính thức khó lộ diện do đều là hoạt động "cố tình che giấu". Vì vậy, ngành thống kê không tham vọng xác định được hết các nội hàm của 5 thành tố khu vực kinh tế chưa được quan sát nhưng sẽ bóc tách các nhân tố xác định được và đưa ra lộ trình tính toán đảm bảo khả thi.
Bên cạnh đó, hiện có một số hoạt động không được công nhận tại Việt Nam dù mang lại thu nhập và theo thông lệ phải tính toán, thu thập dữ liệu. Ông Lâm dẫn chứng như mại dâm hay tham nhũng… sẽ không nằm trong diện thu thập thông tin tính toán trong quá trình triển khai đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Trong đó, với hoạt động mại dâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết đây là hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam nên dù nhiều nước cập nhật vào GDP nhưng Việt Nam sẽ không tính vào GDP.
Với hoạt động tham nhũng – đây không phải là hoạt động sản xuất nên cũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin, tính toán của cơ quan thống kê lần này.
![]() |
Khó khăn nhất là thống kê kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp và phi chính thức |
Không chịu áp lực từ ai
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ, cơ quan thuế xác định các hoạt động văn hóa nghệ thuật của các ca sĩ hiện vẫn chưa tính được thu nhập của họ, rõ ràng cần có cơ chế chính xác để cho họ lộ diện, đóng góp của họ đối với nền kinh tế. Cần xác định rõ thu nhập nào được tính, thu nhập nào không tính. Mục tiêu cao nhất là thu hẹp phạm vi chưa được quan sát, mở rộng phạm vi đã được quan sát.
Việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, lái xe ôm, hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ phải đóng thuế, như vậy có tận thu? Bà Hương cho rằng về nguyên tắc đã tham gia kinh doanh phải đóng góp với xã hội, đảm bảo trật tự an ninh xã hội. Trước hết cần để họ lộ diện, tổ chức sản xuất kinh doanh từ hộ cá thể đến các tập đoàn là vấn đề đề án cần hướng tới trước tiên.
Trong khi đó, bà Lê Thu Mai, đại diện Tổng cục Thuế, lo ngại nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt, chưa quản lý được dòng tiền, việc quan sát để thống kê cũng rất khó. Ngành thuế dùng nhiều phương thức khác nhau nhưng hiện nay cũng khó có được thông tin đầy đủ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định Tổng cục Thống kê sẽ hoạt động làm sao cho việc phản ánh được xác thực tình hình kinh tế – xã hội. "Chúng tôi không chịu tác động của bất kỳ bên nào để có bức tranh chính xác của nền kinh tế. Do đó, ngành có giải pháp thu thập bổ sung thông tin để đánh giá đầy đủ", ông Lâm nói.
"Không phải Việt Nam mà bất kỳ cơ quan thống kê nào trên thế giới đều có trách nhiệm phải làm. Chúng ta không ngại điều tra này sẽ tăng quy mô GDP, nới thêm trần nợ công. Nợ công tăng, chi tiêu công tăng là do chính sách của Chính phủ, còn chúng tôi chỉ cung cấp bức tranh thực tế để Chính phủ có quyết sách đúng đắn", ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, Quốc hội đã đưa ra trần nợ công không được vượt quá 65%; thời gian qua, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã giảm xuống. Năm 2018, khi thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại và có kết quả cuối cùng quy mô GDP trên nền kinh tế là bao nhiêu, hiện Tổng cục đang mời Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kiểm tra, đánh giá kết quả nên chưa thể công bố số liệu.
Thy Lê