Mới đây, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Mục tiêu nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa quan sát, qua đó phản ánh đầy đủ toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
Lo GDP cao, chi tiêu vô tội vạ
Quyết định này đưa ra yêu cầu phân chia chính xác các hoạt động kinh tế theo đúng bản chất kinh tế, hình thành 5 nhóm, phù hợp với phương pháp luận của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 đang được nhiều nước vận dụng, bao gồm: hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Bắt đầu từ năm 2020, Tổng cục Thống kê sẽ bắt đầu đo lường chính thức kinh tế ngầm, hàng năm sẽ cập nhật kết quả đo lường biên soạn tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế – xã hội liên quan.
Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019…
Theo các chuyên gia kinh tế, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, khu vực kinh tế chưa được quan sát chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 20- 30% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ khoảng 5-7%.
Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt để chống thất thoát ngân sách, đồng thời đối với các hoạt động kinh tế bất hợp pháp như buôn lậu, buôn hàng cấm cũng sẽ được rà soát để có các chính sách quản lý phù hợp hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, qua đo lường một cách tương đối khu vực kinh tế ngầm sẽ cho thấy quy mô kinh tế ngầm nước ta như thế nào, lớn nhỏ ra sao, từ đó làm rõ tỷ trọng của nó trong nền kinh tế như GDP, giá trị gia tăng, công ăn việc làm…
Tuy nhiên, điều cần tránh nhất là đừng để thống kê khu vực kinh tế ngầm chỉ nhằm chứng minh GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với hiện nay, tăng thêm được một số điểm phần trăm, từ đó nợ công với tỷ lệ 65% GDP có quyền "bành trướng" thành khối nợ lớn đè nặng đôi vai người dân.
Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế sẽ làm tăng nợ công. Hơn nữa, khu vực kinh tế ngầm dù có tính toán được cũng khó lòng thu được thuế, việc đưa ra "ánh sáng" của khu vực kinh tế này là không có gì thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế thực sẽ phải gánh tác động lớn hơn nhiều lần từ việc tăng nợ công.
Đồng quan điểm, PGs. Ts. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng nếu thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát chỉ nhằm tính toán lại quy mô nền kinh tế, từ đó có những chương trình chi tiêu thích ứng, tức là nâng giá trị tuyệt đối của nợ công, chi tiêu công thoải mái hơn sẽ là không phù hợp.
Việc tăng chi tiêu công, từ đó tăng nợ công còn phụ thuộc vào năng lực trả nợ trong tương lai của Chính phủ và hiệu quả các dự án chi tiêu công chứ không phải là việc có thống kê được khu vực kinh tế chưa được quan sát hay không.
Từ năm 2020, khu vực kinh tế ngầm sẽ chính thức được thống kê vào GDP |
Biến phi chính thức thành chính thức
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng mục tiêu thống kê kinh tế ngầm đầu tiên là phải làm rõ xưa nay các đối tượng kinh tế ngầm chịu tác động thế nào từ chính sách; chính sách nhà nước đã vô tình cũng như "cố ý" khuyến khích thế nào cho kinh tế ngầm hoạt động; những chính sách nào đang cản trở kinh tế ngầm trở thành chính thức?
"Bất kỳ Chính phủ, Nhà nước nào đều mong muốn có khu vực kinh tế chính thức rộng lớn. Nếu khu vực kinh tế ngầm lớn chỉ chứng tỏ sự kém cỏi của chính sách hoặc chính sách bị thiết kế, ứng dụng tồi đến mức người ta không dám làm chính thức, chỉ làm ngầm. Hoặc chính sách tiếp tay cho nhiều đối tượng làm ngầm – bắt tay với một số nhóm cán bộ quản lý trong nhà nước, để lánh nghĩa vụ mà doanh nghiệp (DN), cá nhân đang phải nộp thuế, minh bạch công khai với người tiêu dùng, với Nhà nước", bà Lan chia sẻ.
Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm cũng nêu rõ, môi trường kinh doanh càng tốt, khả năng biến khu vực phi chính thức thành chính thức càng cao; môi trường kinh doanh tồi, những người kinh doanh muốn làm ở khu vực phi chính thức hơn là chính thức, không muốn hợp thức hóa hoạt động của mình.
Liên hệ thực tế việc nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn lớn lên thành DN, bà Lan cho biết thực trạng này đã xảy ra từ lâu. Nhiều DN cho biết thay vì mở rộng quy mô, họ sẽ lập DN mới, vì quy mô càng to càng không được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, chưa kể bị "hỏi thăm nhiều hơn".
Muốn DN nhỏ trở thành DN lớn, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, vấn đề cốt lõi là quyền tài sản của DN phải được bảo đảm, thực thi nghiêm minh thì họ mới dám "lớn".
Chưa kể, hiện nay, nhiều DN đạt được một số thành công nhất định đã quyết định bán cho DN ngoại dưới hình thức mua bán và sáp nhập. Thị phần của người chủ Việt Nam chấp nhận nhỏ hơn nhưng tài sản của họ an toàn hơn. Thậm chí, nhiều chủ DN quyết định bán DN để ra nước ngoài sinh sống.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright, không phải bây giờ mà trước đây nhiều thương hiệu Việt dù có thâm niên từ đầu thập niên 1990 nhưng sau khi thị trường mở cửa đã bán cho đối tác ngoại.
Việc nhiều DN chọn cách bán cho đối tác ngoại, lỗi không phải nội tại bản thân DN, mà còn do cơ chế chính sách, vai trò nhà nước. Thực tế, DN càng lớn bị thanh kiểm tra, chưa kể hiện nay có rất nhiều thủ đoạn xâm hại quyền tài sản của DN.
Vì vậy, Nhà nước phải đảm bảo vai trò của Chính phủ kiến tạo là nền tảng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân làm ăn chân chính, thúc đẩy hoạt động tự do sáng tạo khởi nghiệp, thể hiện tài năng…; đảm bảo chức trách của các cơ quan công quyền theo hướng liêm chính và hiệu quả.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho DN, người dân. Một khi còn lót tay, tham nhũng, thì kinh tế ngầm còn dư địa phát triển và cũng không thể thống kê được, chưa nói tới việc lượng hóa nó để đưa vào GDP.
Lê Thúy
Ts. Đinh Trọng Thịnh - Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) Nhà nước phải cải thiện môi trường đầu tư, có các chính sách khuyến khích thu hút vốn, phát triển hộ kinh doanh cá thể lớn lên thành DN, khu vực phi chính thức trở thành chính thức. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến khu vực phi chính thức của Việt Nam chưa lộ diện là vì nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt nên việc công khai minh bạch thu nhập của DN, cá nhân tương đối thấp. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Sau khi thống kê được khu vực kinh tế ngầm, chúng ta cần phải có các chính sách xử lý cho từng khu vực như thế nào, tránh tình trạng đo kinh tế ngầm để GDP cao hơn, từ đó chi tiêu lãng phí, tận thu người dân như bắt lái xe xe ôm, người trà đá… cũng phải nộp thuế. Làm sao phải tránh kiểu chính sách như vậy. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việc thống kê kinh tế ngầm sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Lâu nay, Chính phủ thiếu chính sách quản lý và hỗ trợ cho khu vực kinh tế chưa quan sát. Khi muốn phát triển kinh tế bao trùm, Chính phủ không thể bỏ sót khu vực nào trong hoạch định chính sách. |