Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.
Về quy mô, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Tham vọng của tân binh
Vecom tính toán nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, quy mô thị trường tới năm 2020 sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020.
Đây chính là lý do khiến ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ vào thị trường TMĐT Việt Nam để chờ cơ hội sinh lợi trong tương lai.
Báo cáo về xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2019 của Shopee cho thấy sức khỏe và sắc đẹp, thời trang nữ, nhà cửa và đời sống tiếp tục là 3 ngành hàng chiếm lĩnh thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Đặc biệt, Shopee cho biết tỷ lệ nam giới mua sắm trên trang TMĐT ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng nam yêu thích mua sắm trực tuyến vì những ưu đãi hấp dẫn cũng như sự đa dạng.
Theo khảo sát, nhà cửa và đời sống, điện thoại và phụ kiện, thời trang nam là những ngành hàng phổ biến nhất đối với phái mạnh vì họ thường có nhu cầu mua các sản phẩm điện tử hay túi, đồ thể thao trên các trang mua sắm trực tuyến.
Trước thời cơ trên, thời gian vừa qua, các "đại gia" TMĐT như Amazon, Alibaba đang xem Việt Nam là đích ngắm đầu tư, cũng như nhiều nhà đầu tư ngoại không tiếc tay rót vốn "thâu tóm" các sàn TMĐT của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho TMĐT Việt Nam bùng phát.
Không chỉ "đại gia" ngoại, sau khi lấn sân sang lĩnh vực gọi xe, Viettel Post tiếp tục nhảy vào mảng TMĐT với trang web Voso.vn cùng tham vọng dẫn đầu thị trường. Theo Viettel Post, điểm mạnh của Voso chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc giao hàng và thanh toán.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là cuộc chơi dễ ăn. Còn nhớ, trong quá khứ, hàng loạt thương hiệu đình đám đã phải rời bỏ thị trường hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác như VNG bán trang 123 mua.vn cho FPT, công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã khai tử Deca.vn, hay Lingo.vn, Vuivui.com, Robins.vn… đã ngừng hoạt động. Gần đây nhất là Vui Vui (vuivui.com) của Thế Giới Di Động đã chính thức đóng cửa từ cuối tháng 11/2018.
Thực tế, cuộc cạnh tranh chưa bao giờ hết nóng trên thị trường TMĐT. Đầu năm 2019, Shopee áp dụng chính sách thu phí thanh toán người bán, đối thủ Tiki ra thông báo sẽ miễn loại phí này trong hai năm tới.
Các DN TMĐT đang bước vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt |
Phải có định hướng chiến lược
Cuối tháng 3 vừa qua, Lazada Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi mừng sinh nhật lần thứ 7 của công ty, ngay lập tức Sendo tung ra chương trình "Tưng bừng FreeShip – vui hơn sinh nhật" với loạt ưu đãi không thua kém đối thủ.
Vì vậy, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Vecom, đánh giá dù các sàn TMĐT đã định vị khá rõ nét tên tuổi trên thị trường, nhưng không hẳn không có cơ hội cho DN mới. Người tiêu dùng Việt Nam "cả thèm chóng chán", không khó thay đổi thói quen chọn dịch vụ hay nền tảng của họ. Người tiêu dùng đã đi xe Grab rồi chuyển sang FastGo, Be; mua hàng của cả Tiki, Lazada thì họ cũng dễ dàng sử dụng Mygo, Voso.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO công ty Interspace Việt Nam, TMĐT sẽ ngày càng phát triển và lớn mạnh. Các sàn TMĐT như Shopee, Adayroi, Tiki, Sendo… đang có mức tăng trưởng năm sau cao gấp 3 – 4 lần năm trước.
Tuy nhiên, người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm. Ngày xưa, người dùng ra cửa hàng để mua sản phẩm, giờ ra cửa hàng nhưng họ vẫn tìm kiếm trên mạng xem sản phẩm đó có chỗ nào bán rẻ hơn, người dùng trước đó trải nghiệm như thế nào.
Điều đó dẫn tới các hãng sản xuất lâu nay chỉ bán hàng trên sàn TMĐT hiện đang muốn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, giúp giảm thiểu chi phí, tăng trải nghiệm khách hàng, giúp DN nắm giữ được khách hàng tốt hơn.
Theo đó, các DN TMĐT cần chuẩn bị cho định hướng chiến lược của mình. Online không chỉ là kênh bán hàng, muốn bán hàng online tốt, DN phải chuyển hướng chiến lược bằng cách online hóa tất cả hoạt động, bán sản phẩm phù hợp với online; chuẩn bị nguồn lực về công nghệ, con người, logistics…
Đại diện Nielsen Việt Nam cho rằng để phát triển bền vững TMĐT, các DN không thể dựa mãi vào chính sách khuyến mãi, điều này sẽ rất khó giữ chân người tiêu dùng. Thay vào đó cần cạnh tranh bằng hạ tầng, bằng chất lượng sản phẩm, bằng các phương thức giao hàng nhanh, tiện lợi, uy tín.
Hơn nữa, tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn có hàng loạt cái tên triển vọng rút khỏi thị trường. Đây chính là một lời cảnh tỉnh cho các DN khởi nghiệp trong ngành TMĐT: cần phải cẩn trọng và thực tế hơn.
Thy Lê