Giới chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh thông thường chưa phải là đích cuối cùng của các "đại gia", mà đó là bài toán về tài chính: sự quan tâm của nhà đầu tư và giá cổ phiếu; hệ thống bán hàng, mạng lưới và đặc biệt là tạo nên xu hướng người dùng.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được xem là cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới. Cạnh tranh bằng cách… "đốt tiền" được xem là một trong những đặc trưng của các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay.
Cuộc đua "nướng tiền"
Được chống lưng bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn TMĐT nước ngoài, hầu hết các doanh nghiệp (DN) lớn như Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo mỗi năm đổ hàng nghìn tỷ đồng vào quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá. Thậm chí, có DN còn "chơi lớn" khi đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc của "người nổi tiếng" hay mời họ tham gia các sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu.
Đứng đầu về "đốt tiền" và lỗ là Lazada. Tổng cộng lỗ lũy kế của sàn này tính đến hết năm 2018 đã lên tới hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là 2.150 tỷ đồng.
Shopee xếp thứ hai về "đốt tiền" và lỗ, với khoản lỗ lũy kế hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là lớn nhất, khoảng 1.900 tỷ đồng.
Đáng nói, dù lỗ lũy kế liên tục trong 3 năm, nhưng Shopee không thu phí dịch vụ của khách hàng và mãi đến ngày 1/4/2019, trang TMĐT này mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.
Còn Tiki trong năm 2018 lỗ 760 tỷ đồng. Hai sàn còn lại là Sendo và Adayroi thời gian qua cũng liên tục "đổ tiền" để gia tăng thị phần và kết quả kinh doanh cũng không khá hơn so với các DN trên.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu cộng cả 5 sàn, con số lỗ khả năng là trên 10.000 tỷ đồng.
Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường TMĐT Việt Nam với quy mô gần 100 triệu dân vẫn sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ để các đối thủ tranh giành miếng bánh của nhau. Và tất nhiên, cuộc chiến "đốt tiền" trên thị trường này vẫn sẽ tiếp tục và không có chỗ cho những "tay chơi" thiếu tiềm lực.
"Thời điểm này, tham vọng của họ không phải là lợi nhuận, mà là "miếng bánh thị phần". Các DN đang muốn "vượt chướng ngại vật" và "tăng tốc", cuộc chiến của thị trường này sẽ còn thú vị hơn nữa và khi đó người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi sau cùng", một chuyên gia nhìn nhận.
Cuộc đua quảng bá, khuyến mãi luôn nóng bỏng |
Hoàn thiện hệ sinh thái
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki, cho biết Tiki đang tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng, khối văn phòng.
"Trước đây, mỗi lần mở báo lên xem thì thấy bàn về tiền đầu tư vào Tiki thế nào, sao lỗ nhiều thế, thì đây, nguồn vốn chúng tôi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống vận hành, kho bãi", ông Sơn giải thích.
Đồng thời ông Sơn cho biết thêm là công ty đang có hơn 30.000 m2 nhà kho và kỳ vọng 6 – 8 tháng tới có 100.000 m2, sau cú bắt tay với Unidepot.
Chia sẻ với báo chí, ông Mary Zhou, Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Lazada, cũng cho hay: Từ tháng 5/2019 đến nay, sàn này liên tục công bố ký hợp tác chiến lược với hàng loạt thương hiệu như Realme, Lock&Lock, Bosch hay Fr ieslandCamp ina Việt Nam… để mở các gian hàng chính hãng của Estée Lauder hay Sulwhasoo….
Câu hỏi đặt ra là vì sao các "đại gia" ngành TMĐT cả trong và ngoài nước liên tục kêu lỗ nhưng công cuộc đổ tiền vào thị trường Việt vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành King Broker, cho rằng mục tiêu của các trang TMĐT không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà là bài toán về tài chính.
"Kết quả kinh doanh có thể không được tốt nhưng nếu bán được cổ phiếu, giá cổ phiếu tăng, họ còn kiếm được nhiều tiền hơn", ông Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, mục đích của các trang này là mở rộng mạng lưới bán hàng. Ví dụ như Alibaba sử dụng Lazada để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam. Có những nguồn lợi nhuận khác để phân bổ nhằm bù lỗ cho hoạt động của Lazada, dĩ nhiên họ chấp nhận lỗ nhưng quan trọng là chiến lược tổng thể thành công.
Hay như VinGroup phát triển Adayroi không hề quan tâm đến lợi nhuận từ việc bán hàng, mà mục tiêu là hoàn thiện hệ sinh thái của mình là kênh chiến lược kết hợp với Vin Mart+ để tiêu thụ các sản phẩm độc quyền của Vin, cũng như gia tăng giá trị cho Vin ID…
Bên cạnh đó, những "ông lớn" này đang hướng đến tạo xu hướng người dùng, khảo sát hành vi người dùng. Dẫn ví dụ, ông Tuấn Anh nói: "Chỉ với 2 giờ đầu sau mở bán đã có 10.000 máy Galaxy M10 được đặt mua. Những con số ấn tượng đã giúp Galaxy M10 phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay của Samsung trên Lazada cũng như toàn thị trường TMĐT".
Thanh Hoa