Sáng ngày 11/6, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề thương mại điện tử và ứng dụng vào khu vực HTX.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thương mại điện tử là xu thế phát triển tất yếu, cả trong và ngoài nước. Thậm chí có thể nói có Smartphone là có thế giới thu gọn trong tay.
Công cụ nhanh nhất để hỗ trợ HTX
Thực tế, hiện việc ứng dụng thương mại điện tử vào công tác chuyên môn của hệ thống Liên minh HTX vẫn còn hạn chế.
Một trong những chức năng hàng đầu của Liên minh HTX Việt Nam là hỗ trợ các HTX thành viên xúc tiến thương mại, hỗ trợ HTX bán hàng cả trong nước và quốc tế, giúp đỡ các HTX thực hiện các dịch vụ logistics thể hiện qua chương trình xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Công cụ nhanh nhất để hỗ trợ HTX đạt được những mục tiêu trên là thương mại điện tử.
Hiện nay, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đang thực hiện dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trong khu vực HTX, kết nối các HTX với Liên minh HTX các tỉnh và Liên minh Trung ương, trong đó trọng tâm là các HTX nông nghiệp có hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Thương mại điện tử là xu thế phát triển tất yếu |
Thương mại điện tử sẽ giúp HTX theo dõi được đầu vào, như mua phân bón, vật tư, xác định giá cả đầu ra của sản phẩm bằng cách theo dõi thị trường tại địa điểm tiêu thụ…
Có thể nói, xu hướng phát triển thương mại điện tử rất mạnh. Hiện nay, trên thế giới, các nước đang phát triển, công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử đang phát triển ở tốc độ chóng mặt, mọi thông tin, giao dịch, mua bán đều thông qua các trang mạng điện tử, qua hình thức thanh toán online.
Công nghệ 4.0 và phát triển thương mại điện tử mở ra các thị trường mới, toàn cầu. Ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư lớn vào thương mại điện tử…
Theo khảo sát về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các HTX thuộc các lĩnh vực đều có trang bị máy tính và sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu nhưng có chưa đến 10% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm 30%.
Riêng với khu vực các HTX nông nghiệp, chỉ có khoảng 14% có trang bị hệ thống máy tính chủ yếu để quản lý kế toán và lưu trữ dữ liệu. Còn lại hầu hết các HTX vẫn chưa có website và chỉ có duy nhất bộ máy vi tính nhưng không kết nối internet.
Tạo ra phương thức kinh doanh mới
Có thể thấy, các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến kênh phân phối và người tiêu dùng còn thiếu và yếu, nhất là đối với các hộ sản xuất, các HTX là những đối tượng cần thiết để tìm cho mình các kênh phân phối hiệu quả.
Chính vì vậy, ứng dụng thương mại điện tử trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản có vai trò quan trọng, tạo ra một phương thức kinh doanh mới, hiện đại vài hiệu quả hơn.
Hội nghị Thông tin chuyên đề thương mại điện tử và ứng dụng vào khu vực HTX |
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoan - Trưởng bộ môn Thương mại điện tử (Đại học Ngoại thương), ứng dụng thương mại điện tử vào HTX có thể giúp kết nối HTX tới khách hàng, kết nối các HTX đưa sản phẩm đến siêu thị, nhà phân phối…
Các kết nối này có thể được thực hiện thông qua website giới thiệu sản phẩm, các cổng thông tin thành viên, hoặc có thể chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, blog, kênh Youtube…
Thông qua trang website thương mại điện tử, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian.
Đặc biệt, thương mại điện tử nên phát triển đồng đều với cả hai hình thức bán lẻ trực tuyến B2C (Business - To - Customer) và bán qua các kênh phân phối B2B (Business To Business), góp phần quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm HTX.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, HTX và các cán bộ của HTX phải được trang bị máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet… phải xây dựng được hệ thống thông tin quản lý toàn bộ các HTX và xây dựng được truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hồng Nhung