Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 là 75 USD/thùng, RON 95 gần 76,45 USD/thùng, tăng 4 – 5% so với kỳ trước; riêng giá dầu đang giảm khoảng 2%.
Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều chỉnh giá ngày 2/4, dự kiến giá mỗi lít xăng có thể tăng 400 – 500 đồng, còn giá dầu giảm.
Dự phòng giảm mạnh
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, giá xăng thành phẩm trên thế giới liên tục tăng, cùng với thời điểm giá cả nhiều mặt hàng dịch vụ trong nước được điều chỉnh tăng theo lộ trình như điện, dịch vụ y tế, thuế bảo vệ môi trường…
Vì vậy, để hạn chế tác động tăng của giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, cơ quan quản lý chi mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu, góp phần giảm chi phí đầu vào của DN sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân.
Một DN xăng dầu cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Nhà nước để ở DN có lúc âm lúc dương, song hiện nay, nhiều DN đang có số âm quỹ lớn – điều trước đây chưa từng xảy ra.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần phải được cân nhắc ở những thời điểm quan trọng. Đặc biệt khi giá xăng tăng cao cùng thời điểm với nhiều mặt hàng được điều chỉnh tăng giá theo thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ phát huy được "sứ mệnh" kiểm soát lạm phát. Ngược lại, kể cả khi giá xăng tăng nhưng các mặt hàng khác vẫn ổn định thì không cần thiết phải dùng đến Quỹ.
PGs-Ts Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm: Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là nguồn lực vô hạn mà được hình thành từ trích lập 300 đồng đối với mỗi lít xăng dầu bán ra và phải cân đối với nhu cầu xả Quỹ rất lớn hiện nay. Quyết định xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao quá mức sẽ khiến khả năng dự phòng của Quỹ bị giảm mạnh, tạo thách thức trong việc ứng phó với biến động giá trên thế giới. Điều hành giá như vậy là trong tầm nhìn ngắn hạn, chưa phải tầm xa.
Theo tính toán của một giám đốc DN xăng dầu tại Hà Nội, trong kỳ điều hành ngày 2/4, nếu cơ quan quản lý giữ nguyên việc trích và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của chu kỳ trước thì giá xăng có thể tăng 400 – 500 đồng/lít. Tuy nhiên, điều này tiếp tục là thách thức lớn với nhiều DN xăng dầu đang phải bù quỹ BOG.
Ngược lại, nếu chi thêm Quỹ theo tỷ lệ 50/50 (vừa chi sử dụng quỹ vừa tăng giá), giá xăng có thể được điều chỉnh 200 – 300 đồng/ lít. Điều này sẽ tác động lên các mặt hàng giá cả tiêu dùng do trùng với thời điểm điều chỉnh giá điện, bởi đây là yếu tố đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, sản xuất, dịch vụ…
Đa số các đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng, rất khó để "kìm" giá xăng lần này vì quỹ BOG tại DN không còn nhiều.
Ông Nguyễn Trí Vĩ, Giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm chăn nuôi, cho biết tăng giá điện, giá xăng sẽ ảnh hưởng khiến chi phí của DN bị đội lên đến 20% so với trước.
Giá mỗi lít xăng có thể tăng 400 – 500 đồng trong kỳ điều chỉnh ngày 2/4 |
Nỗi lo tăng giá hàng hóa tiêu dùng
Việc tăng giá này cũng ảnh hưởng lên giá cả vật tư nguyên liệu và dịch vụ từ các nhà cung cấp đều tăng theo, gây khó khăn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.
Ông Võ Văn Khải, Giám đốc CTCP Thương mại và Sản xuất Hoàng Lê, chia sẻ: DN đang rất lo lắng khi giá xăng và giá điện đều tăng cùng thời điểm. Hầu hết các đơn hàng được DN ký với đối tác từ đầu năm, theo cam kết phải đến hết tháng 6 mới tiếp tục điều chỉnh giá. Như vậy, giá điện và giá xăng tăng khiến giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, trong khi giá bán ra vẫn không đổi.
Theo tính toán của ông Khải, nếu giá xăng tăng khoảng 1.000 đồng/lít, DN phải bù lỗ khoảng 5%, giá điện mới được điều chỉnh sẽ "đội" giá thành sản phẩm lên khoảng 10%. Như vậy, tổng chi phí tăng thêm khoảng 15%.
"Mỗi thứ tăng một ít nhưng cộng lại thành nhiều. Công ty chưa thể tăng giá bán nên phải chấp nhận giảm lãi để bù vào các khoản chi phí tăng", ông Khải cho biết.
Các chuyên gia cho rằng tăng giá điện là việc cần thiết nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia khi giá điện trong nước đang thấp hơn so với khu vực và thế giới…
Tuy nhiên, việc tăng giá "kép" sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 cũng như mục tiêu lạm phát. Trong khi đó, tăng giá xăng cũng là việc không thể dừng, bởi giá xăng trong nước và trên thế giới hiện đang có sự chênh lệch lớn.
Rõ ràng, việc tăng giá điện và giá xăng đã và đang ảnh hưởng đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN. Do đó, yêu cầu đặt ra là đã đến lúc tính toán đến việc đưa giá xăng, giá điện gần hơn với cơ chế thị trường, chứ không nên để giá kìm nén quá lâu, đến lúc bung ra sẽ quá sức chịu đựng của người tiêu dùng.
Hoàng Hà