Theo các chuyên gia, nếu giá xăng dầu, thịt lợn vẫn tiếp tục "leo thang" có thể phải chuyển từ mục tiêu bảo đảm nguồn thu, duy trì tăng trưởng sang bình ổn giá để kìm lạm phát vào đúng "quỹ đạo".
Khó kiềm chế lạm phát?
Hiện, dư địa tăng lạm phát chia đều cho 3 tháng cuối năm còn tương đối nhiều. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, Ts. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ KH&ĐT, phân tích mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay là khó đạt được trước biến động của thị trường nhiên liệu.
Khảo sát thị trường cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu trong 15 ngày gần đây là 90,63 USD/thùng xăng RON 92, 96,89 USD/ thùng dầu diesel. Mức tăng mạnh này đã tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Kể từ 15h ngày 6/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 577 đồng/lít, lên mức 22.347 đồng. Giá dầu diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít, lên mức 18.611 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 403 đồng/lít, lên mức 17.086 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg, lên mức 15.964 đồng/kg.
Đánh giá về lạm phát trong 9 tháng qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng ở giai đoạn trước, giá dầu đã tăng mạnh từ khoảng 50 USD/thùng lên 70 USD/thùng, rồi lên 90 USD/thùng đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nếu xăng dầu tăng lên 100 USD/thùng, nguy cơ lạm phát sẽ tăng lên 4% là khó tránh khỏi.
Ông Thắng phân tích: "Giá dầu đã tăng và khả năng còn tiếp tục tăng do các bất ổn địa chính trị đang diễn ra trên thế giới. Nếu giá dầu tiếp tục tăng thêm 5 – 10% nữa thì khả năng giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay là khó".
Giá xăng dầu đang được kiểm soát theo hướng sử dụng Quỹ bình ổn giá. Trong kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tăng mạnh: xăng E5 RON92 chi 1.563 đồng/lít, xăng RON95: 700 đồng/lít, dầu diesel: 400 đồng/lít, dầu hỏa: 300 đồng/lít.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định "dư địa" cho việc kiềm giữ giá không còn nhiều. Trong khi đó, khả năng giá nhiên liệu tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, nên khi giá xăng dầu tăng sẽ tạo ra vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, đặc biệt là thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng… Điều này sẽ đẩy chi tiêu lên và áp lực kiểm soát lạm phát sẽ càng tăng cao.
Trên thực tế, chưa cần đợi đến khi giá xăng dầu tăng đỉnh điểm, một số mặt hàng thực phẩm như thịt lợn cũng đã tăng giá.
Khả năng giá nhiên liệu tăng chưa có dấu hiệu dừng lại |
Giá cả tăng mạnh
Hiện, giá thịt lợn hơi dao động 50.000 – 55.000 đồng/kg và sắp tới có thể sẽ có làn sóng tăng giá mới do giá xăng dầu tăng cao.
Theo phân tích của một chuyên gia, nếu giá thịt lợn và xăng dầu duy trì ổn định ở mức hiện tại trong 3 tháng cuối năm thì mức lạm phát trung bình của cả năm vẫn có thể giữ ở mức 3,8-3,9%. Nhưng giả định giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng và thịt lợn leo lên dao động quanh mức 55.000- 60.000 đồng thì lạm phát trung bình cả năm sẽ tăng lên 4% và gây áp lực sang năm 2019.
Điều này đã từng xảy ra hồi tháng 5 và 6 vừa qua, khi giá thịt lợn tăng mạnh, cùng với giá xăng dầu tăng cao và việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã khiến lạm phát tăng mạnh ở mức 3,29%.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đàm phán giữ giá hàng Tết với các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc đàm phán trở nên khó khăn hơn do biến động tăng mạnh của giá xăng dầu.
"Thông tin tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/1/2019, cùng với đó là giá xăng dầu trên thế giới cũng có nhiều biến động khiến các nhà sản xuất lo lắng vì cam kết giá đã được chốt cả mùa Tết. Như vậy, nếu xăng dầu tiếp tục biến động mạnh như vừa qua sẽ khiến doanh nghiệp bị lỗ. Do đó, các công ty phải cân nhắc mức tăng hợp lý vì giá tăng luôn đi kèm với sức mua giảm", đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Để hóa giải nỗi lo lạm phát, một điều luôn được khẳng định là phải thận trọng trong điều hành giá cả các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu.
Về tình hình giá thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết từ nay đến cuối năm, thịt lợn sẽ không thiếu nguồn cung. Năm nay, những sản phẩm khác của chăn nuôi cũng rất được mùa như gia cầm, trứng, sữa… sẽ giảm áp lực lên nguồn cung thịt lợn.
Riêng về mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu…
Thanh Hoa