Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu. Nghị quyết sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau (từ ngày 1/1/2019).
Cụ thể, thuế BVMT với xăng sẽ tăng kịch khung 4.000 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1.000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít.
Chi phí tăng, giảm sức cạnh tranh
Với mức tăng này, theo đánh giá của chuyên gia, doanh nghiệp (DN) kinh doanh đầu mối chắc chắn sẽ đẩy giá xăng tăng cao.
Trong đó, theo tính toán của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi chính sách thuế mới đi vào áp dụng, vận tải và nông nghiệp là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất.
Chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm 25-35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, 35- 45% đối với xe chạy dầu; trong ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm 35-40% cơ cấu giá thành.
Với các DN vận tải, mỗi lần nghe tin giá xăng dầu tăng, DN "đứng ngồi không yên".
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp. HCM, cho biết ngành vận tải hiện đang trong tình trạng cung vượt cầu nên không thể tăng giá. Vì vậy, khi giá xăng dầu tăng, các DN thường phải chở quá tải để bù vào chi phí giá.
"Nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu, DN mong muốn các cơ quan quản lý tính toán giảm bớt các loại phí, thuế khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT…", ông Quản đề xuất.
Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc điều hành CTCP Mai Linh miền Bắc, chia sẻ xăng dầu tăng giá với tỷ lệ bao nhiêu, các DN vận tải chịu thiệt hại tương ứng.
Để điều chỉnh giá, DN phải đi kiểm định lại đồng hồ công tơ mét, đồng nghĩa hàng ngàn chiếc xe phải dừng chạy. Phí cho một chiếc xe taxi đi đăng kiểm đồng hồ là 110.000 đồng; in lại biển hiệu nhận dạng, giá cước niêm phong trong và ngoài xe là 110.000 đồng/ bộ… Đây là những chi phí rất tốn kém.
Tương tự, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, than vãn muốn tăng giá cước, DN taxi còn phải đi đăng ký với Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế, trung tâm kiểm định của Cục Sở hữu trí tuệ, tốn kém cả thời gian và chi phí.
Việc phải "cõng" thêm thuế BVMT sẽ đẩy giá xăng dầu tăng cao |
Sẽ chi bảo vệ môi trường?
Đại diện DN sản xuất, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng đối với ngành gỗ. Riêng công đoạn xẻ gỗ chủ yếu dùng nhiên liệu xăng.
Chưa kể khâu vận chuyển do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và thuê đơn vị vận chuyển nên giá xăng tăng, đối tác tăng giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng tới chi phí, giá thành sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ tác động tới lạm phát, Ts. Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), cho biết thuế xăng dầu tăng khiến giá tăng theo, kéo theo đó chi phí sản xuất tăng sẽ tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI) của năm 2019.
Ngoài ra, tăng thuế sẽ tăng thu ngân sách do xăng dầu là mặt hàng được sử dụng nhiều. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là nếu buộc phải tăng thuế BVMT, số tiền thuế này sẽ được sử dụng vào mục đích nào? Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định nguồn thuế này phải dành chi để BVMT.
"Nguồn thu này không bao giờ được hòa vào ngân sách chung, mà phải dùng nó để phát triển các ngành nghề liên quan tới BVMT; tạo ra ngành nghề, sản phẩm và công nghệ mới. Có như vậy, người tiêu dùng mới sẵn sàng trả khoản tiền đó, vì người ta biết rằng mình được lợi như thế nào. Các nước đều làm như vậy. Nếu tăng thuế nhưng không đầu tư thêm vào cải thiện chất lượng môi trường thì rõ ràng chỉ là tăng thu, đánh mất ý nghĩa của sắc thuế này", ông Cung chia sẻ.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: "Tiền thuế BVMT phải đưa vào ngân sách và chi lại cho BVMT, người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này, chi cho chỗ khác".
Trên thực tế, thời gian qua, theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2016, tổng số tiền thuế BVMT thu qua xăng dầu lên tới 42.300 tỷ đồng nhưng số thực chi cho BVMT chỉ 12.290 tỷ đồng.
Trong cả giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế BVMT đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng vào năm 2012, nhưng chi cho BVMT luôn rất khiêm tốn, năm 2012 chỉ chi 9.000 tỷ đồng.
Thy Lê