Cụ thể, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đặt vấn đề quản lý thị trường xăng dầu trong thời gian tới.
Theo ông Khánh, đây là vấn đề đã và đang được bàn nhiều vì quan điểm thực sự rất khác nhau, giữa tự do và kiểm soát. Rất nhiều ý kiến cho rằng nên tự do hóa việc kiểm soát này nhưng cũng đồng thời có ý kiến yêu cầu cần kiểm soát chặt thị trường xăng dầu.
Tự do và kiểm soát
Muốn xóa bỏ các điều kiện về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) phải tham gia đông đảo vào thị trường xăng dầu, càng nhiều càng tốt. Nhưng giá lại phải kiểm soát, giá phải rẻ, Nhà nước bao cấp về giá…
"Riêng hai mục tiêu đó, cá nhân tôi cho rằng có sự khác nhau. Muốn cạnh tranh sòng phẳng nhưng bên cạnh đó lại muốn có sự ổn định về giá, ổn định bằng biện pháp hành chính", ông Khánh nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết câu chuyện trên dẫn đến giờ phút này vẫn chưa đưa ra được một mô hình quản lý thị trường xăng dầu làm sao bảo đảm hiệu quả cao nhất.
"Tôi có cảm giác giống cuộc tranh luận về việc bỏ sổ gạo ngày trước. Rất nhiều người sợ nếu bỏ sổ gạo sẽ dẫn đến náo loạn. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã làm được và không có vấn đề gì cả. Gần đây, cũng rất nhiều người lo nếu chúng ta bỏ giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo thì lập tức thị trường sẽ loạn. Bộ Công Thương rất nhất quán, quyết tâm bãi bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tôi nghĩ với gạo làm được thì không có lý gì xăng dầu không làm được", ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, đặc biệt là điều kiện bây giờ đã khác so với trước đây. Nói là độc quyền nhưng thực tế ít nhất có hai DN lớn phân phối xăng dầu là Petrolimex và PVOil, ít nhất có hai DN này cạnh tranh với nhau trên thị trường. Hay ít nhất là đang có hai nhà máy lọc dầu có thể bảo đảm 70% nguồn cung xăng dầu cho đất nước. Chưa kể đến 29 đầu mối nhập khẩu xăng dầu và 155 DN phân phối xăng dầu.
Ông Khánh nêu hàng loạt câu hỏi: "Vậy, lo lắng của chúng ta về an ninh năng lượng có còn như trước đây nữa không? Vậy, chúng ta có còn thị trường độc quyền nữa không hay nó đang trên đà tiến tới việc cạnh tranh sòng phẳng? Và nếu nó đang trên đà tiến tới việc cạnh tranh sòng phẳng thì hãy để cho giá tự do".
Theo đó, Nhà nước muốn quản lý giá sẽ quản thông qua các công cụ thuế và phí, khi nào muốn giá thấp sẽ giảm thuế, phí và ngược lại. Nhà nước có thể sử dụng hai công cụ này, không nhất thiết phải bằng cách thức quản lý hết sức phức tạp như hiện nay, giá bán xăng dầu theo sự chỉ đạo của Nhà nước, theo công thức phức tạp.
"Mà công thức đó đến giờ phút này, theo tôi nghĩ, không được minh bạch, khiến DN rất khó làm. Tính bình quân thuế từ các thị trường nhập khẩu trong quý này để áp cho công thức tính giá trong quý sau (thuế bình quân gia quyền) với hệ số K (tác động của hiệp định thương mại tự do) gây ra sự lờ mờ, các DN chỉ có thể đoán định, chứ không chắc chắn về giá bán trong tương lai", ông Khánh khẳng định.
Giá xăng dầu được đề xuất thả nổi theo thị trường |
Chưa đến thời điểm thích hợp?
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng hiện nay vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để thả nổi giá xăng dầu. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, thị trường xăng dầu vẫn còn độc quyền với sự chi phối của một số "ông lớn". Còn độc quyền, thống lĩnh thị trường chắc chắn sẽ không có cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó là vấn đề minh bạch giá cả xăng dầu vẫn còn mù mờ, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ra sao chưa được công khai rõ ràng…
Khẳng định để giá xăng dầu được điều tiết theo thị trường là việc chưa thể làm ngay, theo PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), muốn kinh doanh xăng dầu theo thị trường phải có nhiều đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu, phải có sự cạnh tranh của một số chủ thể lớn – nhỏ, từ đó mới tạo ra thị trường cạnh tranh.
Hơn nữa, khi nói đến "thả" cho ngành xăng dầu được kinh doanh tự do phải tính tới bài toán an ninh năng lượng quốc gia. Xăng dầu là mặt hàng có liên quan tới đời sống của người dân, toàn bộ nền sản xuất trong nước. DN nào cũng liên quan tới cước phí vận tải, chi phí nhiên liệu.
Xét trong bối cảnh hiện nay, ông Thịnh nêu quan điểm, điều kiện chưa cho phép giá xăng dầu được điều tiết theo thị trường. "Thị trường xăng dầu đang do một số "đại gia" chi phối, làm sao công khai minh bạch?", ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng về nguyên tắc nếu có cơ chế thị trường hoàn hảo thì phải thực hiện đúng nguyên tắc để thị trường định giá. Tuy nhiên, thị trường hoàn hảo là thị trường không có DN độc quyền hoặc thống lĩnh.
Trong khi đó, theo ông Long, với thị trường xăng dầu của Việt Nam, tuy có tới gần 30 đầu mối kinh doanh nhưng riêng Petrolimex đã chiếm tới gần 50% thị phần, phần đáng kể còn lại thuộc PVOil và SaigonPetro, tức là thị trường có một nhóm DN giữ vị trí thống lĩnh. Như vậy, buộc Nhà nước phải quy định giá trần, giá sàn, chưa nên thả nổi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện nay có hiểu nhầm về việc Petrolimex chiếm 48% thị phần bán lẻ xăng dầu, chiếm một vị thế thống lĩnh. Nhưng thực tế 48% thị phần này không phải là sở hữu 100% Petrolimex, mà còn thuộc sở hữu của các đại lý tham gia vào hệ thống phân phối do Petrolimex lập ra.
"Họ có thể rời khỏi hệ thống này bất cứ lúc nào, nếu Petrolimex không có các biện pháp để bảo đảm hệ thống phân phối, nếu không thích thì họ có thể ra đi. Thị phần ngày nay có thể là 48%, nhưng ngày mai, nếu ban lãnh đạo Petrolimex làm không tốt thì sau một đêm chỉ còn 10%, 38% kia chuyển sang làm đại lý cho PVOil hoặc các DN khác", ông Khánh phân tích.
Lê Thúy
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Nếu không quản lý giá xăng dầu ở thời điểm này có lẽ sẽ là quyết định quá vội vàng. Nhất là khi minh bạch và cạnh tranh trên thị trường xăng dầu vẫn chưa rõ ràng. Ts. Nguyễn Đức Độ- Phó Viện trưởng Viện kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) Đúng là nếu đã có cạnh tranh thì nên đưa giá về thị trường. Tuy nhiên, muốn sửa công thức tính giá xăng dầu theo hướng thị trường hơn cần phải làm rõ xem thị trường đã có sự cạnh tranh đến mức độ nào, phù hợp để làm hay chưa. Ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công Thương Thị trường trong nước rất tự do rồi, nên suy nghĩ theo hướng cho phép DN được tự do hơn nữa, còn Nhà nước sử dụng công cụ thuế và phí để can thiệp vào giá nếu như vẫn muốn bình ổn giá cho nhân dân. |