Nhiều công ty lý giải, từ sau nghỉ lễ 2/9 là thời kỳ lượng khách nội địa đi tour trong nước giảm rõ rệt, số lượng người có kế hoạch đi nghỉ cá nhân, gia đình và cơ quan đoàn thể gần như không có. Bên cạnh đó, năm nay kinh tế khó khăn, dự báo lượng khách sẽ sụt giảm.
Giá tour "lao dốc" sau kỳ nghỉ lễ 2/9
Hàng loạt các công ty du lịch đã và đang triển khai các điểm đến mang đậm dấu ấn mùa thu như Mù Cang Chải, Hà Giang, Sapa... Đồng thời, tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách. Hiện, giá tour tại hầu hết các hãng lữ hành uy tín như: Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Vitours, Hanoi Redtours... đều đã giảm từ 20% - 35%.
Theo đại diện Lữ hành Saigontourist, nhằm đáp ứng nhu cầu du khách muốn khám phá những cung đường đẹp nhất của cực Đông - Tây Bắc khi vào Thu, đơn vị phối hợp với Vietnam Airlines mở chùm tour du lịch 5 - 6 ngày khởi hành thứ Hai, thứ Tư có giá từ 9,479 triệu đồng.
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành liên tục đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu du lịch tour du lịch mùa Thu. |
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết, thời điểm này, khách du lịch có thể dễ dàng tìm được vé máy bay giá rẻ và linh hoạt trong việc lựa chọn thời gian đi du lịch. “Cùng với các sản phẩm chùm tour mùa thu năm 2023, các dịch vụ đầu vào giảm giá, giá tour cũng sẽ có mức giá thấp, tạo ra đa dạng nhu cầu du lịch", ông Vũ cho hay.
Không chỉ có tour trong nước, các tour nước ngoài cũng được giả giá đến 30%. Ông Trần Văn Xuân, Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Travelive Việt Nam thông tin, khi qua mùa cao điểm hè cũng như kỳ nghỉ lễ 2/9, các hãng hàng không đều hạ giá vé về mức rất hấp dẫn. Do đó, giá tour du lịch cũng giảm đáng kể. Cộng với chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp lữ hành nhằm kích cầu, giá tour càng trở nên hấp dẫn hơn.
Kỳ vọng những ngày tới lượng khách còn tăng mạnh hơn, ông Xuân nhận định: "Mùa cao điểm đã đi qua, các doanh nghiệp cũng không còn chương trình du lịch cho cán bộ nhân viên, học sinh thì trở lại năm học mới, lượng khách Việt Nam xuất ngoại đi du lịch sẽ khó bùng nổ. Tuy nhiên, với mức giá ưu đãi hiện nay, thời gian tới có thể vẫn thu hút được một bộ phận du khách đi lẻ, đó hầu hết là những người chuộng săn tour giảm giá sau nghỉ lễ. Công ty của tôi cũng đã có khách đặt tour xuất ngoại trong các tháng 9-10".
Bà Hoàng Bích Hồng, Giám đốc công ty du lịch Skytour cũng cho biết so với cao điểm hè, nhiều tour du lịch quốc tế đang được khách hàng quan tâm như du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... do những tour này đang giảm từ 2 - 3 triệu đồng/người so với tháng 7 và 8.
Giảm giá thôi là chưa đủ
Theo các doanh nghiệp lữ hành, việc tạo ra sản phẩm mới có sức hấp dẫn có thể xem là lối thoát duy nhất hiện nay cho các hãng lữ hành, vừa để giải quyết được doanh thu trong thời điểm trầm lắng giảm bớt phần nào tính mùa vụ còn quá nặng nề, vừa là cách để kích cầu thị trường du lịch ngày càng ảm đạm trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.
Cũng theo đánh giá của nhiều hãng lữ hành, những năm gần đây đã xuất hiện xu hướng một bộ phận người dân thích du lịch mùa "thấp điểm" để được hưởng ưu đãi giảm giá và chất lượng dịch vụ tốt. Đặc biệt, đối tượng khách là người cao tuổi rất thích du lịch dịp thu đông vì thời tiết trong lành và nhất là không phải chen chúc như dịp hè, lễ, tết. Để có những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo tiêu chí "mùa nào thức nấy", các địa phương cần chuyển một số sự kiện lớn vào mùa "thấp điểm", có chương trình kích cầu thường xuyên, đồng bộ và có định hướng khai thác các nguồn khách có thể đi du lịch trong mùa trầm lắng này.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, vào mùa thấp điểm, nhiều doanh nghiệp thường thực hiện các chiến dịch khuyến mãi để kích cầu. Tuy nhiên, nếu chạy đua với đối thủ bằng khuyến mãi, giảm giá mà không nâng cao chất lượng dịch vụ, thiếu các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng có thể gây nên tác dụng ngược, vô tình tạo ra cuộc chiến về giá và cuối cùng là gây thiệt hại cho thương hiệu. Thay vào đó, mỗi chương trình kích cầu, marketing đều phải được xây dựng dựa vào những hiểu biết sâu sắc về hành vi của từng nhóm khách hàng mục tiêu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành nên tập trung nghiên cứu, cho ra mắt các sản phẩm mới, củng cố đội ngũ và tập trung chăm sóc tốt khách hàng hiện tại, tạo bước chạy đà để sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, bảo đảm chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Một chuyên gia ngành du lịch chia sẻ, khuyến mãi thực chất là điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Trước đây, khách phải chi nhiều tiền, thì nay chi ít tiền hơn mà vẫn được hưởng thụ những dịch vụ “hoàng gia” vốn chỉ dành cho khách nước ngoài hoặc giới thượng lưu.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp “làm ăn chân chính” thường công khai, minh bạch thông tin để khách hàng biết và lựa chọn. “Nếu doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, sẽ phải chịu trách nhiệm và hậu quả lớn nhất là du khách sẽ tẩy chay, quay lưng”, vị này cho hay.
Thanh Hoa