Theo đó, để chuẩn bị cho mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, hầu hết cơ sở lưu trú đã nhanh chóng bắt tay vào việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực, tăng cường xúc tiến quảng bá…, đồng thời tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn.
Dự báo ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay. |
Không chỉ các cơ sở lưu trú 2-4 sao phải cạnh tranh khốc liệt, mà nhiều khách sạn 5 sao ở Hà Nội đang triển khai chương trình giảm giá chưa từng có, như: Khách sạn Inter Continental Hà Nội Landmark 72 giảm giá 48%, chỉ còn 3,1 triệu đồng/đêm; Grand Vista Hà Nội giảm giá tới 66%, chỉ còn 1,2 triệu đồng/đêm; Hotel du Parc Hanoi giảm còn 1,7 triệu đồng/đêm…
Thậm chí, nếu chịu khó “săn” khuyến mại trên các trang đặt phòng trực tuyến, du khách có thể "sốc" với hàng loạt chuỗi các khu nghỉ dưỡng 5 sao giảm tới 40%-85% như: Vinpearl Resort & Spa Phu Quoc giảm từ 7,8 triệu đồng/đêm còn 1,7 triệu đồng/đêm; Melia Vinpearl Phu Quoc giảm từ 15 triệu đồng/đêm còn 3,4 triệu đồng/đêm; Wyndham Grand Phu Quoc từ 10 triệu đồng/đêm còn 1,5 triệu đồng/đêm; The Shells Resort & Spa Phu Quoc chỉ từ chưa đến 1,5 triệu đồng/đêm; Khu nghỉ dưỡng 5 sao Premier Village Halong Bay Resort giảm giá đến 55%, chỉ còn từ 2,1 triệu đồng/đêm đã bao gồm thuế, phí…
Tuy nhiên, đại diện một số khu nghỉ dưỡng cao cấp cho biết, thực tế hút khách bằng giảm giá chỉ là “giải pháp ngắn hạn, giải pháp tình thế”. Về tầm nhìn trung và dài hạn, các doanh nghiệp du lịch đang và sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ và tăng chất lượng nguồn nhân lực, tìm kiếm khách hàng thông qua các ứng dụng đặt phòng trực tuyến như Booking, Agoda, Traveloka...
“Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách thị thực mới, chúng tôi tin tưởng thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam sẽ khởi sắc từ cuối năm nay”, đại diện khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay Resort cho hay.
Trong khi chờ các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Nga, Anh... hồi phục trở lại, thị trường nội địa với mục tiêu 15 triệu khách du lịch cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, việc giảm giá tour trong thời điểm hiện nay cần phải tính toán rất kỹ và đánh vào đúng nhu cầu thị trường. "Quan trọng là phải có sự quảng bá, bắt tay liên kết để tạo hiệu ứng tốt hơn. Nhiều vị khách khi đến doanh nghiệp mới biết đến chương trình kích cầu", ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietlux tour góp ý.
Hiệu ứng từ chính sách visa mới cũng là vấn đề được quan tâm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, chính sách visa mới sẽ mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn, có hiệu lực ngày 15/8 - ngay trước mùa cao điểm của khách quốc tế, cũng sẽ góp phần tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, phát triển kinh tế du lịch những tháng cuối năm.
Ông Walt Power, CEO của Grand Hồ Tràm nhận định, trong tương lai, với việc chất lượng dịch vụ đang không ngừng được gia tăng, chính sách visa thông thoáng hơn, số lượng khách du lịch sẽ quay trở lại Việt Nam rất hứa hẹn. Đặc biệt là việc mở rộng miễn thị thực sang nhiều thị trường khác sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đa dạng hoá thị trường.
Mặc dù lạc quan với chính sách visa mới, song đến nay, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, chính sách visa mới cần có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp triển khai thuận lợi. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều không gian để chào bán sản phẩm, tăng thêm dịch vụ linh hoạt cho du khách như điều chỉnh thời gian khởi hành, thay đổi lịch trình…
"Chúng tôi vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ các cơ quan quản lý. Nếu chưa có văn bản hướng dẫn, việc xúc tiến, quảng bá với đối tác nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn", đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Đại diện Top Ten Travel cho biết, nhiều khách quốc tế đã biết thông tin về việc Việt Nam chuẩn bị thay đổi chính sách visa và rất quan tâm, đặc biệt là khách lẻ. Do khách đoàn thường chuẩn bị trước từ 6 tháng, nên nhóm quan tâm chính từ nay tới cuối năm là khách lẻ. Những câu hỏi mà doanh nghiệp này nhận được nhiều là: "Nên xin visa bây giờ hay đợi 15/8?", "Xin visa bây giờ, tới 15/8 có được áp dụng chính sách mới không?", “Lệ phí xin visa có thay đổi không?”. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp rất khó để hướng dẫn du khách.
Tập trung chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương phối hợp với Bộ Ngoại giao thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa; xây dựng các chương trình văn hóa lồng ghép trong các hoạt động ngoại giao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đẩy mạnh truyền thông tại các thị trường khách du lịch quốc tế về chính sách thị thực mới của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 15/8; chú trọng các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm, có lượng khách lớn, nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh quốc...; phát triển thị trường du lịch Halal; tập trung chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm du lịch quốc tế bắt đầu từ tháng 9. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch bài bản, hiệu quả hơn. |
Thanh Hoa