Từ tuần này, các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, shopee, tiki… đã rầm rộ tung các chương trình ưu đãi cho đợt siêu giảm giá cho những ngày lễ cuối năm.
Nhiều cơ hội mua hàng giảm giá đến 50%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp nối đà phục hồi tích cực của thị trường, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khuyến mãi, kích cầu với hàng loạt hoạt động được tổ chức từ nay đến cuối năm. Sự kiện khuyến mãi rầm rộ nhất trong những ngày này phải kể đến chương trình khuyến mãi ngày độc thân 11/11 sắp tới.
Hàng nghìn thương hiệu lớn nhỏ trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đang có chương trình khuyến mại giảm giá đến 50%. |
Ghi nhận của VnBusiness, trên các sàn thương mại điện tử có hàng nghìn thương hiệu lớn, nhỏ thuộc các ngành hàng như: thời trang, túi xách, vali, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, trang sức, phụ kiện… cùng tham gia chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%.
Chị Bùi Thị Thu Giang (nhân viên văn phòng) là khách quen của các sàn thương mại điện tử. Trước 11/11 ba ngày, chị Giang đã lên kế hoạch lấy xu, voucher tích điểm giảm giá. “Hầu hết các ngày sale trong năm tôi đều dành thời gian để nhanh tay lấy mã. Nhờ có nhiều chương trình trước ngày sale mà tôi tích lũy được nhiều voucher, giảm bớt tiền đơn hàng đã mua”, chị Giang nói.
Các nền tảng ví điện tử, giao thức ăn cũng không nằm ngoài cuộc chơi. MoMo, Grab, Be, Beamin hay ShopeeFood... đều chạy chiến dịch khuyến mãi vào ngày độc thân 11/11.
Cuộc đua về hoạt động tương tác, tiếp thị đa kênh giữa các sàn thương mại điện tử vẫn đang diễn ra khốc liệt. Ngoài các sàn thương mại điện tử, các nhà cung cấp đóng vai trò quan trọng để giữ chân khách hàng. Hiện nay, bên cạnh việc chuẩn bị giảm giá, các cửa hàng còn quan tâm đến chất lượng, đóng gói sản phẩm để làm hài lòng khách hàng.
Theo dự đoán của nền tảng thương mại điện tử Shopee, hai tháng cuối năm là thời điểm "vàng" cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương hiệu, nhà bán hàng nhỏ lẻ và các sàn thương mại điện tử lên ngôi nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao.
Metric đưa ra dự báo trong quý IV/2023, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop sẽ đạt mức 90 nghìn tỷ đồng, với trên 850 triệu sản phẩm được bán ra.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, các chương trình mua sắm cuối năm mang đến cho người dùng những ưu đãi tốt nhất trên thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm trực tuyến ngày một nổi trội. Đây cũng là dịp các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tận dụng để nâng cao mức độ hiển thị trực tuyến, tiếp cận tệp người dùng rộng lớn trên sàn và tạo đà bứt tốc doanh số hiệu quả.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, từ tháng 7/2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch COVID-19. Dù vậy, lần đầu tiên chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam rơi vào tốp thấp nhất Đông Nam Á. Trong khi cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ và một số doanh nghiệp xuất khẩu quay lại thị trường trong nước và đẩy mạnh qua kênh bán hàng trực tuyến, số hóa.
Ngay trong ngành thuỷ sản ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay khi thị trường bên ngoài gặp khó thì hoạt động sản xuất cũng ngưng trệ, các doanh nghiệp quay lại thị trường trong nước. Nhờ sự thay đổi thói quen tiêu dùng những năm gần đây của người dân, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn sản phẩm đông lạnh vốn trước đây chỉ dành cho xuất khẩu để cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên bên cạnh việc phân phối đến các siêu thị, hiện nay doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối qua các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cho biết, sau khi xuất khẩu thành công các sản phẩm cà phê nông sản của mình đến hơn 10 thị trường trên thế giới, công ty Meet More Coffee đã quyết định đẩy mạnh hoạt động tại thị trường nội địa tập trung vào kênh phân phối e-commerce - sàn thương mại điện tử.
Dù sôi động, thị trường thương mại điện tử vẫn có nhiều thách thức mà nguyên do đầu tiên đến từ những yếu tố khách quan của thị trường. Nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đồng thời nhiều điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến đã trực tiếp tác động tiêu cực tới các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Nền tảng số liệu thị trường Metric (Metric) vừa phát hành báo cáo thị trường thương mại điện tử quý III/2023 cho biết, trong quý có hơn 49,5 nghìn nhà bán hàng dừng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, tương ứng giảm khoảng 12% so với quý trước. Vì vậy, vào mùa cuối năm với hàng loạt dịp lễ lớn, các kênh bán hàng, trung tâm mua sắm, nhãn hàng sẽ tung ra rất nhiều chương trình hấp dẫn và người tiêu dùng tìm kiếm khuyến mãi để tiết kiệm chi phí.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, để thương mại điện tử thực sự bứt tốc thì điều kiện tiên quyết là phải tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm vẫn luôn được cân nhắc nhằm đảm bảo sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nếu giá rẻ mà sản phẩm không tương xứng sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, các sàn thương mại điện tử buộc phải cân nhắc và có kiểm soát kỹ hơn chất lượng khuyến mãi.
Theo các chuyên gia của Metric, trong tương lai, thị trường thương mại điện tử sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có sự đầu tư kĩ lưỡng trong chiến lược kinh doanh.
Thanh Hoa