Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức và hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến và cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau, quả sạch.
Tích cực ứng dụng công nghệ
Ông Dror Ravitz, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuff Substrates Việt Nam (Israel), cho biết DN này đang đầu tư vào Việt Nam để sản xuất rau sạch và giới thiệu công nghệ trồng rau sạch bằng xơ dừa ép. Đây là công nghệ không mới nhưng lại tận dụng xơ dừa, phế phẩm bỏ đi để ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc sử dụng công nghệ trồng rau sạch bằng xơ dừa ép vừa ít tốn kém, vừa cho hiệu quả sử dụng cao, đỡ tốn diện tích trồng rau theo truyền thống của người Việt, bởi công nghệ này được trồng tại nhiều địa điểm, vị trí khác nhau như: trong nhà kính, ngoài trời, hoặc nhà có mái che.
Cũng ứng dụng công nghệ sạch vào trồng rau, củ, quả, ông Lê Hoài Trưng, Trưởng phòng Dự án công ty ăn sạch, uống sạch (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh), chia sẻ đơn vị này bắt đầu triển khai công nghệ trồng rau hữu cơ sạch từ tháng 3/2017.
DN còn làm mô hình vườn rau trên sân thượng cho các hộ gia đình trên địa bàn toàn thành phố có nhu cầu, có cán bộ kỹ thuật đến chăm sóc vườn rau tại các hộ gia đình theo định kỳ. Việc trồng rau sạch có ưu điểm giúp người dân hạn chế mua rau ngoài chợ trong bối cảnh an toàn thực phẩm còn nhiều điều đáng lo ngại hiện nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết năm 2018 là một năm thành công của ngành rau, quả Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,809 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với 2,783 tỷ USD, chiếm hơn 73%; Mỹ: 139.000 USD; Hàn Quốc: 113.000 USD; Nhật Bản: 105.000 USD…
Cùng với đà tăng trưởng của thị trường, việc tổ chức các hội chợ, sự chung tay của các tổ chức, các HTX và cá nhân trong việc sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chí của các thị trường khó tính và tích cực tìm kiếm thị trường sẽ trở thành “bệ phóng” để sản phẩm rau, quả Việt Nam “đơm hoa kết trái” trên trường quốc tế.
Gian hàng triển lãm công nghệ trồng rau sạch tại Tp.HCM |
Tháo gỡ rào cản
Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam tăng trong những năm gần đây, nhưng so với tiềm năng, lợi thế vẫn hết sức khiêm tốn.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu về nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc không ngừng tăng hàng năm và cán mốc nhập khẩu trái cây tươi năm 2018 là 1,24 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu rau, quả sang Hàn Quốc đứng thứ 5, nhưng giá trị kim ngạch chỉ đạt 113.901 USD, chiếm 2,99%. Đây là tỷ lệ quá thấp, bởi các mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cải bắp, xà lách, tỏi, ớt, chuối, dừa, dứa xoài, thanh long…
Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 trên thế giới với giá trị nhập khẩu năm 2018 là 18,4 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản gồm rau các loại, trái cây tươi và thủy sản cũng chỉ đạt 646,4 triệu USD.
Nguyên nhân xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản còn thấp là do nông sản chưa đạt yêu cầu của thị trường. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác; kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chưa phù hợp.
Do vậy, việc xuất khẩu rồi bị trả hàng về hoặc bị tiêu huỷ ngay tại nước nhập đến vẫn còn diễn ra. Điều này vừa gây thiệt đơn, thiệt kép cho quan hệ đối tác thương mại, vừa thiệt hại trong quá trình vận chuyển cũng như cho người sản xuất.
Để ngành rau, quả Việt Nam phát triển lớn mạnh, bền vững, không nên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà phải tập trung vào các mô hình DN, HTX có quy mô lớn, đảm bảo các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, chất lượng rau củ quả, sau đó mới tiến hành xúc tiến thương mại.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng Việt Nam không còn rào cản về thuế kể từ khi ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, kiểm dịch chưa đạt tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Để tháo gỡ cho ngành nông sản, các DN, HTX của Việt Nam cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, ổn định bằng chất lượng sản phẩm hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, phải tiến hành thủ tục thực hiện chỉ dẫn địa lý, hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch và các quy trình nhập khẩu liên quan.
Bà An khẳng định, chỉ có như vậy thì vai trò của xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ xuất khẩu trái cây, rau quả Việt Nam mới được kết nối hiệu quả.
Hà Nam