Năm 2015, khi vừa bước sang tuổi 56, cũng là lúc Đảng viên Đinh Thị Xoa (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hồ) nghỉ hưu theo chế độ. Thời điểm đó, UBND huyện đang có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và an toàn.
Vì thế, chỉ sau vài tuần rời nhiệm sở, bà Xoa đã hăng hái đứng ra thành lập THT sản xuất rau an toàn (RAT) và sau đó là HTX Sản xuất RAT) xã Vân Hồ vào tháng 4/2016. Đây là HTX đầu tiên của huyện khởi nghiệp với sản xuất RAT.
Sinh kế bền vững
Được biết, THT ban đầu có 13 hộ đăng ký tham gia, nhưng sau khi được Phòng Nông nghiệp huyện đưa đi tham quan, tập huấn quy trình trồng trọt, chăm sóc ở HTX Sản xuất RAT xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La), 8 hộ thấy quy trình yêu cầu cao, khó thực hiện được nên đã rút lui.
Chỉ còn lại 5 hộ, nhưng bà Xoa vẫn quyết tâm đứng ra thành lập THT sản xuất RAT với diện tích 1,4 ha. Bà cho rằng: “Tuy về hưu nhưng là người đảng viên cần luôn sống gương mẫu và trách nhiệm trước nhân dân, để con cháu và người dân địa phương có thêm việc làm, cải thiện đời sống”.
Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất tốt, độ ẩm cao, khí hậu ôn hòa, THT đã tập trung vào trồng các loại rau ăn lá như cải ngồng, cải ngọt, cải chíp, cải mèo, rau muống… Các loại rau này được đánh giá vừa dễ chăm bón và tháng nào cũng cho thu bán.
Nhận thấy hiệu quả canh tác ổn định, thu nhập cao hơn 8 - 10 lần so với lối canh tác lúa truyền thống, các thành viên THT đã phấn khởi yên tâm sản xuất; đồng thời thu hút nhiều hộ cùng tham gia và nâng cấp THT lên thành HTX gồm 27 thành viên với tổng diện tích trên 7 ha.
Xác định là đất chuyên canh nên các thành viên trong HTX dành nhiều thời gian chăm sóc, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thông qua trồng rau trong nhà lưới, che phủ ni lông. HTX chú ý lựa chọn nguồn giống mới có năng suất, chất lượng cao; thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, các thành viên sử dụng phân vi sinh, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép; bảo đảm nguồn nước tưới không bị ô nhiễm; ghi chép đầy đủ các số liệu về thời gian, dung lượng, số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp khác; có bảng, biểu cắm trên các luống rau để nhận biết...
Vùng rau an toàn của HTX |
Nhân rộng mô hình
Năm 2018, HTX đã xuất bán trên 230 tấn rau ra thị trường, doanh thu gần 2 tỷ đồng. Dự kiến khi nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của công ty TNHH Thực phẩm SI Vân Hồ (xây dựng tại bản Suối Lìn) đi vào hoạt động, HTX sẽ chuyển hướng chuyên canh các loại rau màu để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Sau khi biết được hiệu quả của những mô hình trồng rau sạch ở HTX Vân Hồ, nhiều người đã quyết tâm tìm hiểu làm theo. Vàng A Sa (35 tuổi) ở thôn Bó Nhàng 2 (xã Vân Hồ) cũng là một người thành công nhờ biết tận dụng kinh nghiệm trong trồng rau sạch.
Sau khi học tập mô hình trồng rau sạch ở HTX Vân Hồ, anh Sa đã về nhà cùng vận động 2 hộ nữa trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, những sản phẩm RAT của anh được HTX Vân Hồ tiêu thụ giúp, sau đó anh đã chủ động thành lập THT, tự tiêu thụ rau.
Hiện tại, Vàng A Sa là Tổ trưởng THT Sản xuất và tiêu thụ RAT Bó Nhàng 2, đồng thời cũng là người bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Từ chỗ chỉ có 3 thành viên, tới nay, THT Bó Nhàng 2 đã có 12 thành viên, tới đây dự kiến sẽ kết nạp thêm 3 thành viên nữa.
“Trước đây, nếu trồng lúa cả năm mới được 1 vụ, thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng thì từ khi trồng rau, thu nhập của gia đình đã tăng nhiều lần. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi để dư được 60 - 70 triệu đồng”, anh Sa cho biết.
Hiệu quả từ mô hình trồng RAT ở xã Vân Hồ đã được khẳng định qua thu nhập của các thành viên THT, HTX ngày một nâng lên; tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tại địa phương; nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Đây là những mô hình tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu rau an toàn…
Hoàng Lê