Đây là vải thiều chín sớm trong lô hàng 1 tấn vừa được Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) xuất khẩu tới thị trường Úc vào tuần trước. Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty thì vải thiều được thu mua ở một số vườn của người dân Thanh Hà. Những vườn vải này đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt vào trung tuần tháng 5.
Vải thiều Thanh Hà được niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng/kg). |
Doanh nghiệp trên xuất khẩu quả vải sang Úc bằng đường hàng không, được bảo quản với công nghệ hiện đại nên dù chờ nhiều thời gian thông quan, vải vẫn tươi, ngon khi bán tại các siêu thị ở Úc.
Ông Mai Xuân Thìn cho hay lô hàng này sẽ thăm dò thị trường, nếu giá cả và chất lượng được đánh giá cao, đối tác sẽ đặt thêm. Để hạ giá thành, những đơn sau khi vào chính vụ, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức vận tải biển.
Năm nay, sản lượng vải thiều sụt giảm mạnh, do vậy ông Thìn cho hay Rồng Đỏ sẽ không đặt mục tiêu quá lớn về mở rộng đơn hàng, theo đó sẽ cố gắng làm tốt nhất để tối ưu hóa giá trị của các đơn hàng đã được ký kết. "Rồng Đỏ sẽ là người mua góp phần cho chợ đông, được giá", ông Thìn khẳng định.
Giám đốc Rồng Đỏ cho biết thêm, năm nay nhiều bà con nông dân mất mùa rất buồn nhưng hãy cố gắng chăm sóc cho vườn vải để thu hoạch cho những năm tới. "Nhà xuất khẩu lúc nào cũng muốn có sản phẩm để bán nhưng khi nguyên liệu giảm đi, mất mùa chúng tôi cũng sẽ đồng cảm với bà con nông dân, chia sẻ lợi ích nhiều nhất có thể", ông Thìn nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hải Dương hiện có 198 mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.124 ha. Trong đó có 66 mã xuất Trung Quốc, 45 mã xuất Australia, 41 mã xuất Mỹ, 38 mã xuất Nhật Bản, 8 mã xuất Thái Lan. Huyện Thanh Hà có 167 mã với diện tích hơn 720 ha. TP Chí Linh có 25 mã với 384 ha và huyện Ninh Giang có 6 mã xuất khẩu, diện tích 20 ha.
Ngoài ra, Hải Dương có 21 mã số cơ sở đóng gói vải và xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở Thanh Hà.
Các vùng trồng đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và có nhật ký canh tác. Trong quá trình chăm sóc, đơn vị chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát vùng trồng để hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy định của nước nhập khẩu.
Thy Lê