Thương vụ Việt Nam tại Úc đã chỉ ra những thách thức của vải thiều Việt Nam tại thị trường Úc trong mùa vụ năm nay.
Nếu không cải tiến quyết liệt, quả vải Việt sẽ khó phát triển thị trường tại Úc. |
Ông Mr. Foley, Chủ tịch Hiệp hội quả vải Úc cho biết, sản lượng vải Úc năm nay tăng vọt, lên đến 40% và có một mùa vải do thời tiết “thu hoạch trễ nhưng thành công”.
Từ tháng 4, nhận biết các nhà nhập khẩu vải tại Úc e ngại nhập vải Việt Nam, Thương vụ đã liên tục vận động, cam kết đồng hành. Nhờ tâm huyết của một số nhà nhập khẩu như 4waysfresh, Bato Ausales…, vải Việt đến Úc có chất lượng ổn định.
Vải Việt Nam nhập bằng đường hàng không với chất lượng tốt đã được tiêu thụ với giá khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/kg. Trong khi đó, hàng chục tấn vải đi đường biển cũng vừa thông quan và đưa ra thị trường tại nhiều bang với giá bán khoảng 260.000 đồng/kg.
Sau khi Thương vụ triển khai chương trình hành động 3 năm qua, từ quả vải không được gắn thương hiệu doanh nghiệp dẫn đến chất lượng không bảo đảm, đến nay, quả vải Việt đã được các nhà nhập khẩu nâng niu về thương hiệu và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc lưu ý, đã đến lúc nếu không cải tiến quyết liệt, quả vải Việt sẽ khó phát triển thị trường tại Úc. Bên cạnh nhãn hiệu nhà xuất khẩu, cần thống nhất xây dựng nhãn hiệu vùng trồng trên từng thùng. Thương vụ luôn chủ động tiếp thị, tạo hiệu ứng tốt về vải Việt Nam, nhưng nhận diện thương hiệu vùng trồng và quản lý chất lượng đồng nhất vẫn cần đẩy mạnh.
Mùa vụ vải Úc ngày càng dài, chất lượng tốt, Thương vụ Việt Nam tại Úc mong muốn vùng trồng vải phối hợp xây dựng thương hiệu vải Việt Nam loại 1 tại Úc (Premium) để khẳng định chất lượng, phát triển thị trường; Các thùng carton đựng vải cần gia cố cứng hơn để đảm bảo không bị méo, bẹp khi vận chuyển; Cần ưu tiên đưa vải đến Úc sớm hơn và đề nghị vùng trồng phối hợp Thương vụ để tổ chức lễ hội dùng thử vải hằng năm.
Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng chỉ ra có hiện tượng nhà xuất khẩu chỉ cần xuất vào Úc 1 vài tấn để lấy thương hiệu, chứ không chú trọng đẩy mạnh sản lượng, do tâm lý muốn bán số lượng lớn đi các thị trường khác.
Theo đó, Thương vụ đề nghị vùng trồng cần có chính sách xuất khẩu sang Úc để khẳng định chất lượng vải Việt Nam tại thị trường khó tính. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến vải đóng hộp, vải khô, cocktail vải không cồn để đáp ứng xu hướng cocktail không cồn tại Úc.
Thy Lê