Gia đình ông Thân Văn Hạnh, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa (Tân Yên- Bắc Giang) có vườn vải thiều được trồng hơn 10 năm. Năm nay, ước đạt 15 tấn quả tươi. Đáng chú ý, vải thiều của gia đình được Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu lựa chọn xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Thương lái Trung Quốc hối thúc mua hàng
Ngày 19/5 vừa qua, lô hàng 2,5 tấn vải thiều của gia đình ông Hạnh đã được thu hái để xuất khẩu sang Trung Đông. Giá bán dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Giá vải thiều chín sớm cao hơn nhiều so với mọi năm. |
Ông Nguyễn Văn Bảo, đại diện Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu cho biết, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân các vùng trồng vải thiều (bao gồm vải sớm và vải chính vụ) theo tiêu chuẩn VietGAP, GloabalGAP với số lượng lớn, khoảng 100 tấn vải tươi và 2.000 – 2.500 tấn vải chế biến để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, các quốc gia khu vực châu Âu, Trung Đông. Năm nay, nhiều nơi mất mùa, giá thu mua cao hơn so với mọi năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (huyện Tân Yên, Bắc Giang), cho biết sản lượng vải thiều chín sớm của HTX dự kiến 450 tấn. HTX không có vải thiều chính vụ. Năm nay, Trung Quốc mất mùa vải thiều, vì vậy thương lái liên tục gọi điện hối thúc HTX để sang mua hàng.
“Mỗi ngày, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của thương lái Trung Quốc, song do còn vài ngày nữa HTX mới bắt đầu thu hoạch vải thiều. Vì vậy, tôi vẫn chưa mời các thương lái sang”, ông Thiết nói.
Trước đó, HTX Phúc Hòa đã ký 2 đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 35 ngàn đồng/kg (1 đơn 50 tấn và 1 đơn 20 tấn).
"Hiện nay vải của người dân đã được thu mua với giá là 35.000 - 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, vải thiều của HTX quả to, chín đẹp dự kiến phải bán với giá 50.000 đồng/kg" - ông Thiết nhận định.
Tuy thua thiệt về giá so với kỳ vọng, song ông Thiết cho biết HTX sẽ vẫn giao hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng, bởi năm nay còn năm khác. Khách hàng Trung Quốc ký hợp đồng với HTX thời hạn 6 năm.
Theo Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, với mức 35 - 50 ngàn đồng/kg, giá vải thiều sớm cao gấp đôi so với năm ngoái (năm 2023 chỉ quanh mức 20 ngàn/kg).
Trong khi đó, ở vùng vải thiều Lục Ngạn, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, các thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn để xem xét vùng nguyên liệu. Năm nay, sản lượng của địa phương ước khoảng 17.000 – 20.000 tấn, bằng 50% so với sản lượng năm ngoái do mất mùa. Tuy nhiên, đổi lại giá vải rất cao, trung bình 50.000 đồng/kg.
Khách hàng giật mình, DN phải giải thích
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống, tiêu thụ vải nhiều nhất của địa phương này. Hiện nay, Bắc Giang có 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, với diện tích khoảng 17.198 ha. Trong đó, thị trường Trung Quốc có 130 mã vùng trồng, diện tích 16.217 ha. Bắc Giang có 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Trung Quốc.
Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt khoảng 100.000 tấn, trong đó tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chủ yếu sẽ đưa sang thị trường Trung Quốc.
Ở vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết từ 25/5 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ước tính vải chín sớm sản lượng ổn định không mất mùa, tuy vậy giá năm nay cao hơn so với mọi năm.
Giá cao nông dân được lời nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn khi đàm phán giá. “Nông dân kỳ vọng sản lượng giảm thì giá tăng nhưng doanh nghiệp khó vì không thể một mình một chợ, vải thiều của ta còn phải cạnh tranh với các nước khác. Nếu giá cao quá có thể ảnh hưởng tới việc xuất khẩu cho những năm sau”, bà Hồng nói với VnBusiness.
Theo bà Hồng, doanh nghiệp sẽ cố gắng thu mua giá tốt nhất cho nông dân trong vụ vải thiều năm nay, vì vậy đang cố gắng giải thích với khách hàng. “Khách hàng ngỏ ý mua vải thiều của chúng tôi rất nhiều, nhưng khi báo giá họ giật mình vì cao quá, do vậy doanh nghiệp phải giải thích để họ hiểu. Vấn đề hiện nay là chốt đơn”, bà Hồng nói, đồng thời cho biết thêm năm nay, doanh nghiệp dự định mở thêm thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, NewZeland, Trung Quốc… Nhà máy chuẩn bị chạy hết công suất.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, sản lượng vải đạt trên 20.000 tấn quả, bằng 50% sản lượng năm 2023. Mặc dù sản lượng vải giảm nhưng chất lượng vải thiều nâng cao, do đó dự kiến giá vải sẽ cao hơn các năm.
Ngày 14/5 vừa qua, lô vải thiều đầu tiên của Thanh Hà đã được xuất khẩu sang Úc bằng đường hàng không. Trước đó, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề đưa vải thiều sang Pháp, Thái Lan, Canada…
Thy Lê