Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 tổ chức ngày 4/7.
Mức thuế quá cao
Ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu (NK) từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo đó, DOC áp thuế 456,23% giá trị sản phẩm thép CR và CORE NK từ Việt Nam vì cáo buộc Hàn Quốc và Đài Loan chuyển hàng tới Việt Nam gia công rồi xuất sang Mỹ.
Đánh giá về quyết định của DOC, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết lần áp thuế này không phải áp dụng với thép nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà lại từ Hàn Quốc, Đài Loan.
“Như vậy, đây là “nguy cơ kép” với ngành thép, Mỹ sẽ không chỉ tăng nguy cơ áp thuế với nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc mà còn từ các thị trường khác”, Bộ trưởng nói.
Trước kia, Mỹ chấp nhận cốt thép NK về Việt Nam rồi chế biến xuất khẩu sang nước này. Tuy nhiên, hiện nay, phía Mỹ cho rằng quá trình biến đổi này là không đáng kể nên Mỹ tăng thuế lên trên mức 400%.
Báo cáo của DOC cho rằng việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng NK từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với Đài Loan và Hàn Quốc.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019.
Đánh giá về mức thuế mà DOC đưa ra, hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép tại Việt Nam cho rằng mức thuế áp hơn 400% đối với thép NK từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế của Mỹ là quá cao.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép, quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước.
Việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Ngành thép liên tục gặp khó tại các thị trường xuất khẩu lớn |
Đa dạng hóa thị trường
Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho DN Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ khuyến cáo là DN Việt không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế”, ông Sưa nói.
Theo ông Sưa, ngành thép Việt Nam cũng chủ động trước động thái này nên đã đa dạng hóa thị trường và lượng thép xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 sang Mỹ đã có mức giảm nhiều so với trước.
Thực tế, một số “ông lớn” ngành thép trong nước khẳng định không quá lo lắng với quyết định của DOC. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Ống thép Hòa Phát, chia sẻ quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của DN này. Bởi việc áp thuế đối với thép cán nguội và thép ăn mòn, mà từ trước đến nay công ty chưa xuất khẩu.
Về mặt tổng thể, Tập đoàn Hòa Phát không xuất khẩu quá nhiều, cũng như chính sách “không bỏ trứng vào một giỏ”, do vậy tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn. Bên cạnh đó, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất, là DN đầu tiên của Việt Nam sản xuất thép cuộn cán nóng. Đồng thời, sản xuất các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ô tô và ngành thép vẫn là sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn.
Dẫu vậy, ông Sưa cho rằng vẫn còn những lo ngại cho ngành thép, đó là việc thép ngoại tràn vào Việt Nam nếu chúng ta không có biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, dẫn tới nguy cơ thép Việt thua ngay trên sân nhà.
Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, hàng hóa nói chung và thép Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng lên.
“Chúng ta cần có biện pháp ứng xử. Trước tiên phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa để cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc. Cùng với đó là sử dụng thành thạo các công cụ phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Sưa kiến nghị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các hiệp hội, DN và phía Mỹ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN phù hợp với quy định pháp luật và các Hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Thanh Hoa