Thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Điều này đặt các doanh nghiệp (DN), ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.
Kiện 6, bị kiện 141
Để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam đã áp dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM). Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong giai đoạn 2016 tới tháng 8/2018, Việt Nam đã áp dụng 6 biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu.
Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được Việt Nam áp dụng biện pháp PVTM đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Thuế PVTM cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%). Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp PVTM nhất phải kể tới là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép…
Chia sẻ khó khăn, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ trên thế giới. Những vụ kiện PVTM mà ngành thép phải đối mặt đến từ các thị trường tương đối lớn như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN, thậm chí cả Liên minh kinh tế Á-Âu… Những vụ kiện này đã, đang và sẽ đặt ra khó khăn nhất định tới XK thép trong thời gian tới.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), cho biết trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như thủy sản, da giày mới bị kiện, nhưng hiện nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện.
Các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau.
Ngành thép lao đao vì nhiều thị trường kiện |
Chủ động ứng phó
Vì vậy, các vụ kiện về PVTM phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về PVTM.
Trước tình hình trên, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng DN Việt Nam nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường XK, tránh phụ thuộc vào một thị trường, hàng hóa phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì số lượng.
Nói về giải pháp đối phó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội DN về xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các DN nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là các quy định pháp luật về PVTM của các thị trường đang và sẽ XK; xây dựng chiến lược XK theo hướng đa dạng hóa thị trường XK; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế…
Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM với hàng nước ngoài. Để tăng tính chủ động trong việc áp dụng các biện pháp PVTM, Chính phủ đang giao Bộ Công Thương nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm nhằm tạo cơ chế theo dõi và giám sát thường xuyên đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý tới các mặt hàng nhập khẩu có gia tăng đột biến để có thể đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương phải tích cực hỗ trợ và hướng dẫn các DN sản xuất trong nước lập hồ sơ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM khi các DN gặp khó khăn và chịu thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu.
Thy Lê