Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ, phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng, ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.
Buôn lậu hoành hành
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm năm 2018 diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động…
Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, việc nắm thông tin dự báo tình hình thị trường còn bị động, dự báo chuyên sâu còn yếu, thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin.
Lực lượng quản lý thị trường chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản, dẫn đến những thiếu sót, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, xử lý vi phạm dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Chưa kể, đạo đức công vụ của quản lý thị trường đang là một vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại như hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân khi hoạt động công vụ.
Vì vậy, trước thực trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, trong năm nay, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ kiện toàn tổ chức nhân sự, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường.
Đặc biệt, đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường.
Hàng không rõ xuất xứ hoành hành ở khắp mọi ngõ ngách |
Lo "bình mới, rượu cũ"
Đặt vấn đề về trách nhiệm xử lý hàng giả, hàng nhái, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho rằng hiện nay hàng giả, hàng nhái hoành hành từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng không rõ trách nhiệm thuộc về ai. Trách nhiệm nằm ở lãnh đạo thực thi công vụ, chứ văn bản từ Nghị quyết, chỉ thị rất đầy đủ.
Theo ông Thế, hiện nay, nhiều công chức, cán bộ đi thực thi nhiệm vụ thiếu trách nhiệm. Tổng cục Quản lý thị trường mới được thành lập, đang hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức mới, cần tạo được nền móng vững chắc, "có tâm, có tầm" đổi mới thực sự để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
"Tất cả các đơn vị của lực lượng từ Tổng cục, cục, chi cục, các đội phải bàn kỹ. Trong đó, mỗi cán bộ phải có thái độ, trách nhiệm hết sức nghiêm túc để có kế hoạch cụ thể. Ví dụ trên địa bàn có 5 tụ điểm phức tạp, cuối năm phấn đấu giảm xuống con số thấp nhất chứ không thể đặt mục tiêu chung chung", ông Thế yêu cầu.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nếu lực lượng quản lý thị trường được tổ chức theo ngành dọc, nếu nâng cấp cục thành Tổng cục… mà không thay đổi thì chỉ "bình mới, rượu cũ" chứ không giải quyết được vấn đề gì.
Vì vậy, trong 4 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn bộ máy, đáp ứng yêu cầu công việc.
Hơn nữa, một trong những vấn đề còn tồn tại trong công tác năm 2019 của lực lượng quản lý thị trường là năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ quản lý thị trường còn bấp cập.
"Sự lạc hậu, chậm trễ đổi mới trong nhận thức, hành động, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương… chính là điểm yếu của một số cán bộ quản lý thị trường, không thể phù hợp trong bối cảnh mới, cần chấn chỉnh, khắc phục ngay", Bộ trưởng yêu cầu.
Thời gian tới, Tổng cục phải có chỉ đạo, gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Chúng ta đau xót khi cán bộ quản lý thị trường Nghệ An bị khởi tố, bắt tạm giam. Do đó, cần phải thực hiện nghiêm quy chế và quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và trách nhiệm người đứng đầu, không thể có câu chuyện lực lượng quản lý thị trường ở đâu đó của địa phương lạm dụng chức vụ quyền lợi, vi phạm pháp luật".
Thy Lê