Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết cổ truyền sắp đến, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã lên phương án từ những tháng giữa năm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op), cho biết để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2018, DN này đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường 2 – 4 lần lượng hàng thiết yếu để chủ động nguồn cung dự trữ nhằm điều tiết giá hàng hóa Tết.
Nguồn cung sẵn sàng
Hệ thống siêu thị Co.opmart tăng cường nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng cùng với những mặt hàng chuyên biệt phục vụ cho mùa Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, giò lụa, dưa món… và một số đặc sản truyền thống khác.
Theo đại diện của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart và VinMart+, VinCommerce, DN đã làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa. Từ tháng 9/2018, đơn vị này đã mở rộng kho bãi, tối ưu vận hành tổng kho ở hai miền Bắc và Nam cùng các kho trung chuyển để đảm bảo hàng hóa cho nhu cầu tăng cao dịp Tết.
Hệ thống siêu thị BigC cho biết, nguồn cung hàng hóa thực phẩm trong mùa Tết sẽ tăng khoảng 30% so với ngày thường. Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, hệ thống siêu thị này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Với các DN sản xuất thực phẩm, kế hoạch chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán cũng được lên kịch bản từ rất sớm. Trong đó, Vissan dự trữ 3.200 tấn thịt heo tươi sống, 2.800 tấn thực phẩm chế biến.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty Ba Huân, cho biết công ty sẽ khai thác tối đa công suất của các trang trại chăn nuôi ở Bình Dương, Long An, đồng thời đưa nhà máy chế biến thực phẩm tại Đức Hòa (Long An) hoạt động hết công suất, đảm bảo nguồn hàng. Nguồn hàng dự trữ của công ty Ba Huân tăng 20 – 25% so với dịp Tết năm ngoái.
Các loại đồ uống, rượu bia rất dễ bị làm giả |
Lo thực phẩm kém chất lượng
Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, bên cạnh các hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, công ty Ba Huân cũng đẩy mạnh cung cấp hàng hóa đến các chợ truyền thống ở vùng ven, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Có thể thấy nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là vấn đề không đáng lo ngại. Tuy nhiên, mối lo nhất phải kể tới là nếu không kiểm soát chặt, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ dễ bề hoành hành.
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường và lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra tình hình vi phạm hàng giả, hàng nhái tại 4 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội là phố Hàng Đào, Hàng Dầu, Hàng Buồm đã phát hiện nhiều hàng thực phẩm thiếu hóa đơn, chứng từ, nhãn hiệu không rõ nguồn gốc.
Nhiều loại bánh kẹo, bánh mứt, các loại hạt, hoa quả sấy… không rõ nguồn gốc xuất xứ được buôn bán và tiêu thụ tràn lan tại các chợ.
Chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm (Hà Nội)… là những địa điểm kinh doanh sôi động vào thời điểm này, với hàng trăm mặt hàng ô mai, mứt tết, kẹo bánh được bày bán phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Các loại mứt, hoa quả sấp khô, ô mai… có giá từ 50.000 đồng trở lên được các chủ hàng giới thiệu là đặc sản của nhiều vùng miền hay các loại bánh, kẹo với giá khá rẻ từ 20.000 đồng/kg trở lên mang tên rất nhiều thương hiệu trong nước và ngoài nước.
Để thu hút khách hàng, một chủ sạp bán hàng tại chợ Đồng Xuân quảng cáo: "Ô mai đồng giá 200.000 đồng/kg; mua một kilôgam, khách hàng có thể chọn nhiều loại" và tương tự với mứt tết.
Điểm chung nhất của nhiều sản phẩm là bao bì, tem mác nguồn gốc không rõ ràng. Các mặt hàng thường được bày bán trong các khay giỏ nhựa, trong túi nilon hay thùng carton.
Các loại mứt, bánh kẹo, ô mai… không có nguồn rõ ràng nhưng người mua vẫn tấp nập. Được biết, khách đến mua tại đây chủ yếu là khách quen, những người mua buôn với số lượng lớn để về bán lẻ, phân phối đi các tỉnh, thành khác.
Những khách lẻ khó tính, nếu có thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ sẽ được các chủ sạp lý giải là hàng nhà tự làm hoặc người thân làm, là món gia truyền nổi tiếng nên cứ yên tâm về chất lượng!(?).
Thy Lê