Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã khẳng định điều này.
Ông Hải cho biết năm 2018, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ là không tăng giá điện. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, năm 2019 sẽ xem xét việc tăng giá điện.
Điều chỉnh theo cơ chế thị trường
Ông Hải khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán không phải là thời điểm phù hợp để đề xuất tăng giá điện. Nếu tăng giá điện sẽ xem xét kỹ thời gian và mức độ tăng.
Ông Hải cho rằng các mặt hàng thiết yếu phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ chi phí phát sinh thực tế của việc sản xuất điện, tồn đọng chênh lệch tỷ giá của ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán điện từ năm 2015 cùng nhiều yếu tố khác….
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch trong tính giá điện và chi phí tạo thành giá điện… nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Liên quan đến “số phận” mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết năm 2011, Thủ tướng yêu cầu dừng dự án này để đánh giá các vấn đề liên quan.
Năm 2017, chủ đầu tư đánh giá, Bộ Công Thương thẩm định và đã báo cáo lên Thủ tướng. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến liên quan, nhất là sau sự cố môi trường của Formosa xảy ra đã có nhiều ý kiến về dự án này.
Ngày 19/12/2018, Thủ tướng tiếp tục giao Bộ KH&ĐT báo cáo đánh giá tổng hợp lại ý kiến. “Đến giờ phút này chưa nói tới câu chuyện dừng hay không dừng”, ông Thành cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm: Dự án mỏ sắt Thạch khê được thực hiện theo chủ trương Bộ Chính trị. Có nghĩa rằng bất kể thay đổi nào phải có ý kiến của Bộ Chính trị, nên chưa thể nói dừng hay không dừng tại thời điểm này. Hiện nay, Thường trực Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thẩm định dự án và báo cáo lại.
Dự kiến giá điện sẽ được xem xét tăng trong năm nay |
Cận Tết, lo rượu giả
Cùng với đó, liên quan đến công tác quản lý hàng giả, hàng nhái dịp Tết Nguyên đán sắp tới, vừa qua báo chí phản ánh về vi phạm của cơ sở sản xuất rượu vang của bà Nguyễn Thị Hoa nằm trên đường Ba La (Phú La, Hà Đông, Hà Nội).
Cụ thể, chính quyền địa phương cho biết, 5 năm qua, năm nào cũng xử phạt cơ sở này. Bằng cách pha trộn một vài dung dịch với nhau, theo kiểu áng chừng, chỉ trong nháy mắt, một chai rượu vang nho hay sâm panh “hảo hạng” đã ra đời tại cơ sở này với nhiều dấu hiệu vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trả lời về vi phạm trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái luôn là chủ đề nóng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của Tổng cục mà còn là trách nhiệm của cơ quan thuế, các bộ, ngành, địa phương khác.
Ông Linh cho biết không phải đến bây giờ mới kiểm tra cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoa. Tháng 1/2018, Đội Quản lý thị trường số 26 ở quận Hà Đông đã đến kiểm tra, phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm cắt tem nhãn. Đội Quản lý thị trường số 26 đã chuyển sang Chi cục Thuế Hà Đông để xử lý.
Đến tháng 12/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đi kiểm tra cũng đã phát hiện và xử lý với cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoa.
Ngày 5/1/2019, sau khi có một số thông tin phản ánh, Tổng cục Quản lý thị trường đi kiểm tra thực tế, lấy 5 mẫu rượu đi xét nghiệm.
Ngay sau đó, UBND quận Hà Đông, cụ thể là Phòng Kinh tế quận Hà Đông tổ chức hai cuộc họp với các lực lượng trên địa bàn để thống nhất giải quyết. Việc cấp giấy phép sản xuất rượu của cơ sở này thuộc thẩm quyền của Phòng Kinh tế quận Hà Đông.
Hiện nay, chúng tôi đang xem xét đánh giá việc cấp giấy phép và chờ kết quả xét nghiệm của 5 mẫu trên. “Khi có kết quả, nếu cơ sở vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Quản lý thị trường phối hợp với nhiều lực lượng trên địa bàn quận để xử lý dứt điểm vụ việc này”, ông Linh khẳng định.
Thy Lê