Hầu hết các tuyến phố, kể cả khu trung tâm như Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), Phan Đình Phùng, Kim Mã (quận Ba Đình), Thụy Khuê, Võ Chí Công, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy),… đã dày đặc các cửa hàng bánh Trung thu xuất hiện sớm với các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương…
Giá bánh tăng so với năm ngoái
Theo khảo sát, năm nay, các loại bánh Trung thu tăng giá khoảng 5-10% so với năm trước. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng nên các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất phải điều chỉnh giá bán.
Các quầy hàng bánh trung thu vẫn đang trong trạng thái chờ khách, chờ thị trường sẽ bùng nổ. |
Đơn cử, với nhãn hàng Kinh Đô, bánh nướng gà quay sốt XO 4 trứng (800gr) tăng từ 390.000 đồng/chiếc lên 410.000 đồng; loại 2 trứng tăng từ 137.000 đồng lên 139.000 đồng/chiếc; dăm bông xá xíu từ 122.000 đồng lên 124.000 đồng/chiếc...
Tương tự, đại diện truyền thông Công ty cổ phần Bibica thông tin trong mùa Trung Thu năm 2023, do giá nguyên liệu đầu vào có sự gia tăng như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%..., nên giá bánh cũng được công ty điều chỉnh tăng nhẹ từ 5-10% tùy vào từng chủng loại bánh so với giá bán năm ngoái. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Bibica vẫn quyết định tăng 20% sản lượng bánh so với năm 2022, với 600 tấn bánh các loại. Giá bánh của hãng này dao động từ 44.000-140.000 đồng/chiếc cho dòng phổ thông, dòng cao cấp; hộp bánh cao cấp có giá từ 300.000-2.600.000 đồng/hộp.
Chị Minh Trang, nhân viên bán hàng một quầy hàng bánh Trung thu trên đường Phạm Văn Đồng cho biết năm nay, các hãng đều đồng loạt tăng giá. Phần lớn giá bánh bán ra tăng khoảng 2.000-20.000 đồng/chiếc so với các năm trước, với mức 55.000-400.000 đồng/chiếc và từ 280.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/hộp tùy loại.
Theo phản ánh, do thị trường bánh trung thu ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nên các quầy hàng trên đường phố khá trầm lắng, đa phần vẫn đang chờ khách hàng. “Đối tượng khách hàng của chúng tôi chủ yếu mua để biếu tặng, vì vậy hy vọng gần Tết Trung thu, thị trường sẽ nhộn nhịp hơn”, chị Minh Trang, chủ quần hàng bánh Trung thu trên đường Phạm Văn Đồng cho biết.
Hiện tại, đầu mùa, nên nhiều cửa hàng cho hay lượng khách không ổn định. Chưa kể, nhiều khách hàng có xu hướng mua online.
Khách chuộng mua bánh handmade, chốt đơn online nhiều lần
Trong khi quầy hàng bánh Trung thu mang thương hiệu lớn vẫn đang khá ế ẩm thì các chủ cửa hàng “handmade” tại gia lại khá đắt khách. Chị Mai Tâm (Long Biên, TP.Hà Nội) cho hay, đã bắt tay vào làm bánh Trung thu từ đầu tháng 7 âm lịch. Hiện, chị đã bán và chốt đơn được gần 400 chiếc, giá trung bình tùy loại từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
“Khách hàng của tôi đa phần là khách quen, vì vậy có người đặt online cả chục cái để thưởng thức và biếu tặng. Trong một mùa bánh Trung thu, có khách hàng đặt nhiều lần chứ không phải mua với mục đích phục vụ riêng Tết Trung thu”, chị Tâm cho biết.
Nhiều chủ tiệm bánh handmade tại gia làm việc gần như xuyên đêm để nướng bánh trả đơn online. |
Bên cạnh các nhãn hàng công ty, những cửa hàng bán bánh truyền thống trên tuyến đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cũng đã rục rịch mở bán, trong đó tiệm bánh nổi tiếng nhất là Bảo Phương có nhiều người đến mua. Bánh Trung Thu tại đây có giá dao động từ 25.000-50.000 đồng/chiếc với bánh dẻo, không nhân; bánh nướng nhân thịt các loại có giá từ 55.000-95.000 đồng/chiếc.
Một nhân viên tiệm bánh trung thu gia truyền Bảo Phương cho hay năm nay, giá nguyên liệu tăng từ 10-20% nhưng vì cửa hàng chuyên sản xuất bánh cổ truyền, đã có thương hiệu nhiều năm nên cố gắng không tăng giá bánh quá cao, chỉ từ 5.000 đồng/chiếc với những bánh có nhân thịt, còn các loại bánh khác vẫn giữ nguyên giá.
Ngoài các thương hiệu truyền thống, năm nay, các mẫu bánh Trung Thu “nhập khẩu” cũng đang bắt đầu sôi động và xuất hiện nhiều mẫu bánh mới lạ, bắt mắt. Trong số đó, bánh Trung Thu mochi ruốc mặn đang gây “sốt xình xịch” trên khắp các chợ mạng và được nhiều người tìm mua. Mẫu bánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được các tiểu thương xách tay nhập về bán trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Giá của bánh dao động từ 110.000-350.000 đồng/chiếc, trọng lượng từ 300-1.000g.
Ngoài ra, còn có các dòng bánh trung thu cao cấp. Đơn cử, JW Marriott Hotel Hanoi giới thiệu bộ hộp bánh trung thu "Cổ điển và cao cấp" mới, lấy cảm hứng từ hình ảnh lá ngân hạnh, tượng trưng cho sự thanh bình, phồn thịnh cùng sức sống mãnh liệt. Trong khi đó, Sheraton Hanoi lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng - "Lý ngư vọng nguyệt - Cá chép trông trăng" để cho ra đời bộ sưu tập bánh trung thu 2023 khắc họa hình ảnh đôi cá chép theo đuổi bóng trăng vàng rực rỡ in dưới mặt hồ.
Siết chặt quản lý chất lượng
Theo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, thị trường bánh trung thu không chỉ sôi động mà còn vô cùng cạnh tranh. Ngoài chú trọng về mặt dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe với từng chiếc bánh, người tiêu dùng cũng khắt khe hơn về thiết kế bao bì, vì những hộp bánh này còn là quà biếu đến ông bà, cha mẹ, bạn bè, đối tác trong dịp lễ.
Ngoài việc đưa nguyên liệu mới vào bánh Trung thu, các nhãn hàng còn chú trọng đến hình thức, kiểu dáng như vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi, hoặc hộp giấy cao cấp được thiết kế hiện đại, sang trọng… Vì tính cạnh tranh này, các đơn vị kinh doanh phải quan tâm hơn đến trải nghiệm của khách hàng bằng cách đa dạng kênh phân phối và hỗ trợ nhiệt tình trước, trong và sau khi mua hàng.
Do thị trường bánh đa dạng chủng loại, vì vậy việc đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm cực kỳ quan trọng. Nhằm ngăn chặn bánh Trung thu nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2023.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu.
Đối tượng, địa bàn kiểm tra là các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh Trung thu trên địa bàn TP; các cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu.
Trong đó, chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh Trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì…, khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu...
Đối với nội dung kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận. Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá (bánh, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em), phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh bánh Trung thu. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên địa bàn toàn TP Hà Nội từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9/2023.
Nguyệt Ánh