Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra thông tin này tại buổi tập huấn truyền thông về "Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19”.
Sản xuất bánh Trung Thu phải đáp ứng quy tắc về tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu mới được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, sau một năm thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định EVFTA đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai bên.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.
Để tận dụng tốt Hiệp định EVFTA, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định về ưu đãi thuế quan.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu ví dụ như sản phẩm bánh Trung Thu dù được sản xuất bằng nguyên liệu của Việt Nam nhưng nếu sử dụng đường Thái Lan hoặc Trung Quốc mà không đúng tỷ lệ quy định thì EU sẽ không xem đây là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, sản phẩm không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nêu ví dụ một sản phẩm dệt may cùng một công ty sản xuất nhưng nguyên liệu cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu từng thị trường.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore, dù vải được nhập khẩu từ các nước khác ngoài khu vực ASEAN, sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU thì chưa chắc đã được coi là đáp ứng xuất xứ, bởi quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi. Có nghĩa là công đoạn dệt vải, công đoạn cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Đây là quy tắc xuất xứ hai công đoạn.
Cũng vẫn lô hàng trên, nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định CPTPP thì quy tắc xuất xứ sẽ chặt chẽ hơn nhiều: từ sợi trở đi. Đây là quy tắc xuất xứ ba công đoạn: công đoạn se sợi, dệt vải và cắt may đều đồng thời được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định.
Tuy nhiên, nếu muốn xuất khẩu sang EU thì Hiệp định EVFTA quy định quy tắc xuất xứ từ vải trở đi. Nguyên liệu vải phải được mua từ các nước thành viên EU thì mới được ưu đãi...
Ngoài ra, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng không chỉ tuân thủ các quy định, nguyên tắc về xuất xứ hàng hóa mà các chứng từ cũng cần phải chú ý tới lỗi về hình thức.
Ví dụ Hải quan Trung Quốc ưu cầu xác minh lô hàng gạo Việt Nam xuất khẩu vì họ thấy trên C/O ghi chữ không dấu gây nhầm lẫn.
Theo quy định hiện nay ở thị trường EU, lô hàng dưới 6.000 Euro thì doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, trên 6.000 Euro thì các doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Tỷ lệ cấp C/O tăng 0,6% (từ mức 38,8% năm 2019 lên 39,4% năm 2020).
Kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 theo thị trường (từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/7/2021) như Bỉ là 1,63 tỷ USD (22%), Đức 1,37 tỷ USD (18%), Hà Lan 1,17 tỷ USD (16%)… Kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O sang EU 10 tháng 2021 theo thị trường: Đức 5,83 tỷ USD (18%), Italia 3,10 tỷ USD (10%), Hà Lan 1,04 tỷ USD (16%), Pháp 739 triệu USD...
Thy Lê