Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải áp sàn giá vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa, tương đương tối thiểu 320.000 đồng/chiều/hành khách, đồng nghĩa xóa bỏ vé 0 đồng, vé khuyến mại siêu rẻ. Đề xuất này nhận được phản ứng không đồng tình của hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Người nghèo không còn cơ hội đi máy bay
Trước đại dịch COVID-19, hơn 2/3 người đi máy bay ở Việt Nam chọn hàng không giá rẻ, trong đó có rất nhiều công nhân, người lao động thu nhập thấp vẫn thường trở về quê và quay lại làm việc bằng những vé giá thấp.
Sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. |
Chị Nguyễn Thanh Nga (công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch I, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hai năm nay mỗi lần về quê ở Hà Tĩnh chị thường canh thời điểm các hãng hàng không tung chương trình giảm giá từ 0-99 đồng vào mùa thấp điểm, giờ bay muộn để “săn” vé giá tốt nhằm giảm tối đa chi phí đi lại. Thông thường khi tính cả thuế, phí thường chị chi 500.000 - 600.000 đồng mỗi lần mua vé.
Tuy nhiên, trước thông tin tới đây vé máy bay sẽ tăng mạnh nếu đề xuất áp giá sàn được thông qua, chị Nga lo lắng không còn cơ hội đi vé máy bay giá rẻ. “Mấy tháng nay dịch bệnh, thu nhập công nhân giảm thê thảm mà giá vé còn cao nữa thì mình không đủ sức để mua vé máy bay về quê như trước. Nếu lựa chọn đi ô tô hay tàu hỏa thì mất nhiều thời gian, trong khi thời gian nghỉ phép ít ỏi ", chị Nga nói.
Không chỉ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng lo lắng giá vé máy bay tăng sẽ gây cản trở việc phục hồi đi lại của khách hàng. Ông Trần Thế Dũng, tổng giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour cho biết thông thường, vé máy bay chiếm từ 30 - 50% giá thành một tour, tùy cự ly và chất lượng dịch vụ.
Với những chuyến đi ngắn ngày, tiền vé chiếm tỷ lệ cao hơn nên giá vé máy bay tăng, giảm đều ảnh hưởng trực tiếp tới giá tour. “Các công ty du lịch đang lên kế hoạch tái khởi động sau khi thị trường mở cửa. Tuy nhiên, với việc áp giá sàn vé máy bay, ngành du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức kích cầu, khách hàng sẽ cân nhắc hơn bởi giá tour sẽ bị đội lên”, ông Dũng cho biết.
Giá vé máy bay nên để thị trường điều tiết
Nhiều ý kiến cho rằng, áp giá sàn vé máy bay là thiên vị cho một hãng bay mà làm bất lợi cho các hãng khác, đặc biệt ngành du lịch và người tiêu dùng.
Hiện tại thị trường du lịch cả nội địa, quốc tế đều đã về số không. Khi được mở lại, các doanh nghiệp du lịch cần phải kích cầu mạnh để tăng lên nhanh chóng giúp doanh nghiệp thoát khỏi bế tắc. Do đó, không có gì hiệu quả bằng việc tung ra các gói du lịch giá rẻ vì đại dịch đã làm cho rất nhiều người nghèo đi. Kể cả khi khách sạn, công ty tour sẽ bán rẻ giá buồng, giá tour, nhưng nếu vé máy bay đắt, số lượng khách đặt phòng, đặt tour cũng giảm.
Với nhiều hãng hàng không, hiện đều đã suy kiệt vì dịch kéo dài, chỉ mong chờ dịch được khống chế để mở cửa trở lại, nhưng việc áp dụng giá vé sàn sẽ khó khăn kích cầu để giải quyết nguồn cung đang tồn đọng với gần 200 máy bay đang nằm sân do ảnh hưởng dịch bệnh. TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia ngành hàng không chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã làm cho rất nhiều người Việt Nam nghèo đi, nếu không có giá vé máy bay rẻ thì sẽ rất ít người đi được máy bay. Trong khi đó, có nhiều máy bay đang nằm sân, nhân lực ngành hàng không mất việc. Nếu áp giá sàn thị trường hàng không khó mà tăng trưởng nhanh sau dịch, thua lỗ sẽ còn kéo dài.
Bên cạnh đó, giá sàn vé máy bay cũng sẽ tác động tiêu cực vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác, kể cả thương mại, đầu tư, vì nó sẽ làm giảm số lượng chuyến bay, lựa chọn chuyến bay trở nên khó khăn hơn.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc áp dụng giá sàn vé máy bay là không hợp lý, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, tạo nên sự không công bằng giữa các hãng và giảm khả năng tiếp cận vé ưu đãi của khách hàng. Vì vậy, cần phải bỏ giá sàn lẫn giá trần để các hãng cạnh tranh với nhau, nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với quy luật thị trường.
“Giờ là thời điểm mà Chính phủ cần kiên quyết không áp dụng các biện pháp can thiệp phi thị trường vào các hoạt động vận tải hàng không, đồng thời tránh phân biệt đối xử giữa các hãng hàng không thuộc các thành phần kinh tế khác nhau”, ông Nam kiến nghị.
Thanh Hoa