Những ngày qua, thông tin “đảo Ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang) đã xây dựng xong kế hoạch chi tiết, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế vào tháng 10 đang khiến thị trường kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi.
Mở lại dần du lịch nội địa
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngày càng tăng, trong đó có một bộ phần đã tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, cần tính tới biện pháp tái khởi động thị trường du lịch, trước mắt là mở cửa cho khách nội địa, bắt đầu với những vùng có hạn chế địa lý, dân số và số du khách có thể kiểm soát được.
Các y - bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch ở TP Hồ Chí Minh tham quan, trải nghiệm tour Cần Giờ. |
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm AmCham, EuroCham, KoCham, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã kiến nghị: "Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế".
Theo các hiệp hội, một trong những việc cần làm ngay là lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. "Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời mong muốn được hợp tác để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững", các hiệp hội nêu rõ.
Ngày 19/9, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Saigontourist Group đã tổ chức chương trình du lịch thí điểm cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tham quan 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi, mở ra cơ hội đón du khách trở lại.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác tour Cần Giờ cùng nhiều tour tuyến tại những điểm đến an toàn khác dành cho du khách với điều kiện tuân thủ biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo lộ trình kế hoạch 3 giai đoạn phục hồi du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian từ cuối tháng 9 trở đi.
"Chương trình thí điểm tour Cần Giờ là nỗ lực của ngành du lịch và là một trong những tour đầu tiên để nghiên cứu mở cửa trở lại. Những chương trình tour tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi du lịch ở những điểm đến khác trên cả nước. Chúng tôi sẽ cùng với các đơn vị liên quan đánh giá, rút kinh nghiệm, làm sao bảo đảm sự an toàn cho du khách và đội ngũ tham gia phục vụ trên tinh thần "an toàn mới mở và mở thì phải an toàn", ông Tài thông tin.
Cần có lộ trình
Để khởi động lại thị trường du lịch trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần đảm bảo 3 yếu tố: an toàn nơi đi, an toàn nơi nhận và an toàn lực lượng phục vụ. Chẳng hạn, yêu cầu bắt buộc là nhóm phục vụ khách du lịch phải tiêm vắc xin từ 2 mũi trở lên. Người dân địa phương cũng cần 100% tiêm vắc xin mũi 1 và 70% tiêm mũi 2 là tiêu chí tốt nhất. Cùng với đó, địa điểm tổ chức du lịch phải là "vùng xanh".
PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhận định, đối với ngành du lịch, cần mở cửa dần trên nguyên tắc đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Khoanh vùng chống dịch thì mở cửa du lịch cũng nên khoanh vùng, thậm chí khoanh những vùng rất nhỏ. Có thể tổ chức những tour du lịch khép kín tại một điểm du lịch, sau khi thí điểm thành công, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản trị sự tương tác giữa con người với con người thì mới mở rộng sang vùng, tỉnh, thành…
“Trong ngành du lịch, đón đầu không chỉ là yếu tố thời gian mà quan trọng là chúng ta mang lại những gì mới mẻ, những gì độc đáo cho du khách mà trước nay họ chưa từng thấy ở Việt Nam. Sự đột phá, mới mẻ mới là yếu tố tiên quyết thu hút du khách trong bối cảnh họ chấp nhận đi du lịch trong điều kiện chưa tuyệt đối an toàn như hiện nay. Cố gắng chạy theo thời điểm khi chưa đáp ứng đủ 2 yếu tố an toàn và sản phẩm mới mẻ, khác biệt thì việc mở cửa sẽ khó thành công như kỳ vọng”, bà Thúy lưu ý.
Trong khi đó, PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để yên tâm đảm bảo điều kiện mở cửa đón khách, ngay lúc này, Tổng cục Du lịch cần phải thực hiện 3 việc.
Thứ nhất, cần kết hợp với Bộ Y tế để đồng bộ quy định cấp “thẻ xanh Covid-19”, trước mắt thí điểm tại các thị trường đón khách trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Thứ hai, có thể chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan du lịch tại các thị trường, để điều tra thông tin về tâm lý, hành vi, nhu cầu du lịch hậu Covid-19 của du khách. Trên cơ sở đánh giá khách quan đó, lựa chọn những điểm đến an toàn, thông tin cập nhật tới các doanh nghiệp lữ hành để điều chỉnh sản phẩm dịch vụ cho phù hợp.
Thứ ba, phải phối hợp với địa phương và Bộ Y tế đảm bảo các điều kiện chắc chắn cộng đồng tại những điểm đưa khách đến phải được an toàn.
Hoàng Hà