Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra cho Bộ KH&ĐT tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, ngày 18/7.
Có địa phương giải ngân 0%
Về tình hình giải ngân và các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm của các địa phương là 80.149 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,24%, tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 28,44%, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 52%, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 12,02%, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) là 8,98% và vốn nước ngoài là 5,66%.
Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân, tỉnh Ninh Bình đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất: 63,14%, thấp nhất là Đồng Nai: 9,36%.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và TPCP 6 tháng năm 2019 của các địa phương đạt 96.639 tỷ đồng, tỷ lệ 32,85%, thấp hơn 1,88% so cùng kỳ. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 33,58%, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 61,56%, CTMTQG: 21,33%, vốn TPCP: 9,5%, vốn nước ngoài: 12,14%.
Phân theo nguồn vốn cho thấy có 3/5 nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, vốn TPCP có 17 địa phương được giao kế hoạch 2019, tỷ lệ giải ngân mới đạt 9,5%, trong đó tỉnh Đồng Nai có số vốn TPCP kế hoạch năm 2019 lớn nhất 6.990 tỷ đồng, chiếm 73% kế hoạch vốn TPCP của cả nước nhưng mới giải ngân được 310 tỷ đồng, bằng 4,45% kế hoạch.
Vốn nước ngoài (ODA) có 59 địa phương được giao kế hoạch vốn ODA năm 2019. Tỷ lệ giải ngân theo số liệu tổng hợp của KBNN, nguồn ODA mới đạt 12,14%, trong đó 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%; có 28 địa phương giải ngân ODA bằng… 0%!
Vốn ngân sách trung ương đầu tư các CTMTQG có 53 địa phương được giao kế hoạch 2019, tỷ lệ giải ngân mới đạt 21,33% (5 tháng đạt 12,02%), có 14 địa phương giải ngân trên 30% kế hoạch, 7 địa phương giải ngân CTMTQG bằng 0%; có 7 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch năm 2019.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm. Các tháng đầu năm 2019, địa phương tập trung giải ngân vốn kéo dài của kế hoạch năm 2018 sang năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp thực hiện CTMTQG trên địa bàn cấp xã (các CTMTQG nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững). Thực tế, tại nhiều địa phương, hàng năm HĐND cấp tỉnh vẫn thông qua kế hoạch vốn đầu tư từng dự án, công trình của từng xã, dẫn tới chậm giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2019…
Giữ vướng cơ chế
Theo Bộ KH&ĐT, tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với 3 nguồn vốn: vốn ODA, CTMTQG, TPCP. Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giải ngân đầu tư công đã thấp trong một thời gian dài nhưng trong 6 tháng đầu năm nay lại xuống thấp kỷ lục. Đây không phải là một hiện tượng nhất thời mà rõ ràng có sự vướng mắc về thể chế.
Theo ông, để giải quyết tình trạng này, cần sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước ở bên trên và bên dưới, sự phối hợp chiều ngang giữa các bộ, ngành địa phương. Muốn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công về thực chất phải tìm được động lực cho cán bộ ở dưới, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu người đứng đầu ở các địa phương một lòng một dạ vì sự phát triển kinh tế địa phương với một tập thể đoàn kết, thống nhất với mục tiêu đó thì chắc chắn sẽ gỡ được nút thắt này.
Đồng quan điểm, Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng trong bối cảnh đang quyết liệt chấn chỉnh bộ máy nhà nước, chống tham nhũng… khiến tâm lý của các cán bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương chùng chình, không dám làm, dẫn tới vốn đầu tư công chậm được giải ngân. Vì vậy, phải làm sao để tạo động lực và một khung phạm vi để các bộ, ngành, địa phương dám làm, dám thực hiện thì nút thắt về giải ngân vốn đầu tư công mới được đả thông.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hiện nay về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã lập đoàn kiểm tra cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì phải tạo ra chuyển biến căn bản về giao vốn và giải ngân, nhất là vốn ODA và TPCP. Đây là điểm yếu rất cơ bản trong những năm gần đây, Bộ KH&ĐT có hứa tạo được chuyển biến căn bản hay không?
“Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, Bộ KH&ĐT có hứa khi Luật thực thi lúc đó các đồng chí không đổ cho thể chế làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công nữa không?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thy Lê