Cần thiết có gói hỗ trợ thứ 2, trong đó giảm thuế GTGT giúp kích cầu tiêu thụ nội địa. |
Một kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ của họ bị giảm mạnh, đây cũng đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay.
Sức mua đang thấp
Dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 có mức giảm tới 2,7% so với tháng trước, dù vẫn đạt mức tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước có mức giảm 0,2%.
Trong đó, hàng loạt các nhóm ngành còn lại đều có mức sụt giảm rất lớn như doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh nhất tới 61,8%, tiếp đến là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 14,7%. Hay như nhóm hàng may mặc, phương tiện đi lại hay vật phẩm văn hoá - giáo dục có mức sụt ít hơn nhưng cũng ở mức 0,6 - 4,5%.
Thực tế, thời gian qua, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng đã phần nào phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7 dịch Covid-19 quay lại Việt Nam và diễn biến còn phức tạp, doanh nghiệp đối mặt khó khăn thậm chí còn hơn trước nên nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán tới gói hỗ trợ lần thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết tình hình các doanh nghiệp hiện nay hết sức khó khăn bởi cả đầu ra và đầu vào đều khốn khó. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày của Việt Nam đang có lượng hàng tồn kho quá lớn do không thể xuất khẩu, tồn kho rất nhiều. Đặc biệt các mặt hàng này rất khó tiêu thụ trong nước.
“Tình hình các doanh nghiệp hiện nay còn cấp bách hơn thời điểm trước. Vì vậy, việc tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo là thực sự cần thiết”, ông Bé nói.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 này phải mang tính lâu dài thay vì giãn, giảm thuế, phí 5 tháng như chính sách hỗ trợ trước đây là quá ngắn. Cùng với đó, phải xây dựng thật kỹ lưỡng để làm sao các doanh nghiệp đang khó khăn có thể tiếp cận thay vì phải đi chứng minh thiệt hại 50%, cắt giảm 50% lao động như trước.
Chờ chính sách giúp tăng sức cầu
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó giảm thuế GTGT đến hết năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho người dân có ngân sách tương đối, có nguồn tài chính để tiêu dùng sản phẩm.
Thực tế ngay từ thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, nhiều chuyên gia và các cơ quan cũng từng đề xuất giải pháp giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi giảm thuế GTGT xuống 5% thì giá sản thành sản phẩm cũng giảm xuống, điều này sẽ kích thích phần nào đó tiêu dùng trong người dân.
"Trong bối cảnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người dân không có thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua của người tiêu dùng. Điều này, sẽ kìm hãm sự lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, các loại ngành, không có lợi cho quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19", ông Doanh cho hay.
Còn Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho rằng doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất, kinh doanh. Việc phải đóng 10% thuế GTGT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả trong trường hợp được giãn, hoãn vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Chính vì vậy Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng, qua đó kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp ngành nghề cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét đưa ra gói hỗ trợ thứ hai với nội dung giảm thuế GTGT phải nộp trong kỳ của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc áp dụng giảm thuế GTGT một cách đại trà sẽ tiềm ẩn khả năng gây thất thoát ngân sách thông qua các hình thức nhập lậu hay gian dối trong kê khai thuế nên cơ quan quản lý cần kiểm tra chặt chẽ, nhằm đảm bảo chính sách thuế thực hiện được minh bạch, công bằng, tác động trúng đối tượng khó khăn, cần được hỗ trợ.
Thanh Hoa