Trong kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê, trước tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, theo quy mô thì các doanh nghiệp (DN) quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động cao nhất với 23,6%.
Vấn đề không chỉ ở mức thuế
Hơn nữa, DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ là 2 nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất trong mùa dịch. Doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước của 2 nhóm DN này chỉ đạt 59,9% và 61,4%.
DN có quy mô nhỏ chịu tác động bởi dịch Covid-19 đang cần được giảm thuế |
Và như thăm dò của Thời báo Kinh Doanh với một nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ sau mùa dịch Covid-19, thấy rằng trong nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, họ vẫn mong muốn ngoài việc gia hạn nộp thuế thì nên sớm có chính sách giảm thuế thu nhập DN.
Việc giảm thuế cho nhóm DN này hiện đang gây chú ý dư luận khi ngày 11/6, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Khi nói về dự thảo nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có đề cập đến vị trí quan trọng của nhóm DN nhỏ. Theo đó, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động, trong đó DN có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93%.
Và cũng nên tham khảo trong chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia thì chính sách giảm thuế là công cụ thường được chú trọng sử dụng dành cho các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Trong khi đó, mức thuế DN (CIT) hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi là liệu có cao so với thực trạng khó khăn chung của nhóm DN quy mô nhỏ vốn đang chiếm phần lớn trong tổng số DN hay không?
Thực tế, mức thuế CIT của Việt Nam đã giảm tương đối trong những năm vừa qua và hiện được cho là khá cạnh tranh với các nước trong khu vực. Như hồi năm 2014 đã giảm từ mức 25% xuống 22%, rồi đến năm 2016 giảm xuống 20%, thấp hơn so với mức trung bình 22% của châu Á. So sánh với các nước ASEAN-4, mức thuế này chỉ còn cao hơn Singapore.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở mức thuế CIT, mà là các DN Việt phải chịu mức thuế hữu hiệu, tính bằng tổng mức thuế và phí DN phải gánh trên mức lợi nhuận, cao hơn so với mức trung bình của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể mức này ở Việt Nam là 39,4%, trong khi trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 34,6%.
Mức này tương đương với mức mà các DN ở các nước có thu nhấp trung bình cao phải chịu (39,6%) và cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp (38,7%).
Tránh ảnh hưởng đến người lao động
Đối với các loại thuế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước cần phải giảm ở mức tối đa để giúp các nhóm DN có quy nhỏ vượt khỏi tác động của dịch Covid-19. Nhưng về lâu dài, với thuế thu nhập DN thì cũng phải có chính sách đặc biệt dành cho họ.
Hiện nay, Nhà nước mới chỉ gia hạn thời gian nộp thuế cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi điều mong mỏi của nhiều DN có quy mô nhỏ là nên có chính sách giảm thuế.
“DN vì dịch Covid-19 nên không thể sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bị tích tụ tiền thuế lại. Tới thời điểm phải đóng thuế thì lợi nhuận của DN không nhiều, thậm chí là chịu lỗ vì thuế tính trên phần chênh lệch ngay từ đầu, trong khi họ tốn kém rất nhiều chi phí khác”, ông Dũng nói.
Trở lại với dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN có nêu là sẽ giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Nếu đề xuất này được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa thì có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 22.440 tỷ đồng.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất với tiêu chí này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đại biểu băn khoăn. Chẳng hạn với trường hợp những DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng mà số lao động trên 100 người, ví dụ như có 200 lao động, sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi DN đang rất vất vả để giữ chân người lao động mà không được giảm thuế thu nhập DN thì rất thiệt thòi.
Hoặc có sự so bì là nếu như DN có quy mô nhỏ với dưới mức 100 lao động đã được giảm thuế 30%, trong khi có những DN ở những ngành vốn lâu nay quen thâm dụng lao động vượt hơn con số 100 thì xem như không được giảm thuế, như vậy liệu có công bằng khi mà thời gian qua họ đóng góp cho các khoản an sinh xã hội của người lao động khá cao?
Ông Lê Quang Hiệp, giám đốc một công ty cơ khí ở Tp.HCM, lưu ý nếu thoả mãn tiêu chí đưa ra thì có khi những DN có hơn 100 lao động và doanh thu dưới 50 tỷ đồng sẽ tìm mọi cách để giảm số lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy khác nào buộc DN cho người lao động phải ngừng việc, thôi việc để được giảm thuế?
Nhiều ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa lại những điều kiện như vậy nếu không muốn dẫn đến nguy cơ hàng nghìn lao động phải bị nghỉ việc để DN đảm bảo quy định được giảm thuế.
Thế Vinh