Đến hết tháng 4 có đến hơn 60% DNNVV sụt giảm nguồn thu (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Đó là nhận định của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và cho rằng mức giảm nên sâu hơn con số 30% mà Bộ Tài chính dự thảo, đồng thời thủ tục phải đơn giản, minh bạch.
Đơn giản thủ tục, hồ sơ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu dự thảo được thông qua, sẽ có tới 93% số doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế TNDN phải nộp trong năm 2020, mức giảm là 30%.
Theo đánh giá của cộng đồng DN và các chuyên gia, chính sách giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ thời điểm này là rất cần thiết, được mong chờ.
Trong thời gian dịch Covid-19 DN bị ảnh hưởng rất nhiều lớn do các đơn hàng bị hủy, giảm... Vì vậy dù với các DN nhỏ khoản thuế TNDN không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… thì rất thiết thực cho DN.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Nga - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Quà tặng Thăng Long mong muốn thủ tục gia hạn thuế phải đơn giản, không cứng nhắc, cơ quan thuế hỗ trợ đầy đủ thông tin để việc xin giảm của DN được thuận lợi, đúng quy định, tránh trường hợp làm sai rồi lại bị truy thu, phạt...
"Khi được phổ biến về chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất và có đến 97% DN được hưởng. Tuy nhiên, công ty tôi cũng làm đơn xin gia hạn, nhưng bên thuế lại trả lời là chúng tôi không phải ngành dịch vụ, do trong tên công ty không có chữ "dịch vụ", vì vậy DN đã phải xoay sở nộp hơn 100 triệu đồng tiền thuế VAT", bà Nga cho hay.
Cũng cho rằng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều DN, đặc biệt các doanh nghiệp có nghành nghề liên quan đến hoạt động du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu..., nhưng ông Vũ Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Quản trị doanh nghiệp BCM Việt Nam, chia sẻ khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ đang bị tác động mạnh nhất.
Hầu hết các DN có sự giảm sút trong doanh thu do nhu cầu tiêu dùng giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Tài chính doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng do mất cân đối dòng tiền, tăng công nợ tồn đọng từ khách hàng và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do đó, cộng đồng DN này rất cần được hỗ trợ.
Theo vị giám đốc này Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN, giúp giảm bớt khó khăn cho DN. Tuy nhiên, hiện nay dù dịch đã được khống chế nhưng DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. "Vì vậy theo tôi thời gian gia hạn cần phải dài hơn nữa để các DN có thể ổn định kinh doanh sau dịch Covid-19", ông Sang nói.
Cần có chính sách hỗ trợ riêng cho DN siêu nhỏ
Về đề xuất giảm 30% thuế TNDN, ông Sang kiến nghị: "Chính sách miễn giảm thuế cần ban hành sớm và kịp thời để DN chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh".
Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng DNNVV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV chia sẻ số liệu thống kê của Hiệp hội này và cho rằng mức giảm thuế TNDN nên sâu hơn.
Cụ thể, đến hết tháng 4, số DN định rút khỏi thị trường là 30% và vẫn có xu hướng tăng; DN thiếu hụt nguồn vốn sản xuất kinh doanh là 36,7%; ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh là 39,4%; hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ là 51,8%; không có nguồn thu để bù đắp là 43,4%; sụt giảm nguồn thu là hơn 60%...
"Với một bức tranh như thế thì chúng tôi nghĩ các DN nhỏ và siêu nhỏ rất khó có lời mà nộp thuế", ông Tô Hoài Nam nói.
Do vậy, Hiệp hội DNNVV đã đề xuất miễn 100% thuế TNDN phải nộp trong năm 2020 với DN có doanh thu không quá 2 tỷ đồng; Giảm 70% đối với DN có tổng doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, có số lao động tham gia BHXH không quá 10 người. Giảm 50% với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 100 người.
Ngoài ra, HTX có quy mô tương đương DN nhỏ và siêu nhỏ cũng được đề xuất áp dụng cơ chế tương tự.
"Đề nghị này dựa trên ý kiến hội viên của chúng tôi. Vì DN nhỏ và siêu nhỏ có vốn rất mỏng, nên chỉ có mấy tháng mà đã thể hiện tình trạng rất đuối sức. Mức hỗ trợ này để họ có thêm tích lũy để phục hồi. Đặc biệt, với DN siêu nhỏ, nếu miễn thuế TNDN cho họ, không chỉ giảm chi phí nộp thuế mà còn giảm áp lực về chi phí tuân thủ, vì họ không phải dành thời gian quyết toán thuế, thay vào đó tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh...", ông Nam nói.
Thanh Hoa