Giảm 50% lệ phí trước bạ được xem là biện pháp kích cầu cần thiết hậu Covid-19 |
Dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 đã giúp thị trường ô tô “hồi sinh” sau đại dịch.
Doanh nghiệp ô tô khởi sắc
Anh Dương Văn Cường, nhân viên bán hàng showroom Hyundai trên đường Hoàng Cầu (Hà Nội) chia sẻ, sau khi có thông tin giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước, số lượng khách hàng chờ đợi giảm thuế rất cao, nhưng hiện tại trung bình mỗi ngày showroom vẫn ký được 20 hợp đồng, 100% khách hàng đặt cọc trước từ 10 - 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh Cường cho hay, ngay khi có thông tin giảm lệ phí trước bạ, khoảng 1/3 hãng xe ô tô đã tăng giá bán xe, đến khi Nghị định chính thức được thực thi thì chắc chắc việc tăng giá xe là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Hiện tại, đa số khách hàng của Hyundai đặt cọc trước để đợi đến thời điểm chính thức được giảm lệ phí trước bạ sẽ hoàn tất thủ tục để nhận xe. Như vậy, khách hàng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại và giá xe ưu đãi hiện nay”, anh Cường cho hay.
Chẳng hạn, hiện một chiếc xe Elantra phiên bản 2.0 đang có giá niêm yết 676 triệu đồng kèm theo chương trình khuyến mại đi kèm bọc dán kính, bọc vô lăng…, nếu đặt cọc đến thời điểm giảm thuế, giá xe có tăng lên 690 triệu đồng thì khách hàng vẫn được hưởng mức giá tại thời điểm đặt cọc.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, quản lý gara ô tô Anh Tuấn trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), khách hàng nếu có ý định mua xe nên tận dụng thời điểm này. Vì hiện tại, hầu hết các hãng xe và đại lý đang áp dụng các chương trình ưu đãi giảm giá hấp dẫn, cộng thêm chính sách giảm phí trước bạ đi vào thực tế thời gian tới. Như vậy, khách được hưởng ưu đãi “kép”, vì giá xe càng rẻ thì phí trước bạ đóng theo tỷ lệ % càng thấp.
Dẫu vậy, cũng có một số hãng chỉ áp dụng các chương trình khuyến mại trong tháng, mà không áp dụng đặt cọc để hưởng ưu đãi đến khi giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Chẳng hạn, với dòng Ford EcoSport trong tháng 6 đang có các chương trình khuyến mại, giảm giá lên đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, một nhân viên hãng này cho biết, các chương trình khuyến mại, giảm giá chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, kể cả khi khách hàng đặt cọc, quá thời điểm đó chưa nhận xe cũng không được hưởng các ưu đãi, mà sẽ tính theo giá bán tại thời điểm nhận xe.
Thêm cơ hội cho ô tô nội tăng tốc
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đều kỳ vọng Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô có hiệu lực sẽ giúp số lượng xe tiêu thụ tăng mạnh. Thậm chí, có doanh nghiệp còn nhận định, nếu trong tháng 7, Nghị định được Chính phủ thông qua thì 5 tháng cuối năm, lượng tiêu thụ xe sẽ tăng cao gấp đôi so với năm ngoái.
Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước không chỉ hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ sắp có hiệu lực, mà ngay thời điểm sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 57 sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, chính sách sửa đổi theo hướng nới lỏng hơn các điều kiện miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô trong nước giai đoạn 2020 - 2024.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định: “Nếu như trước đây, chỉ những doanh nghiệp có sản lượng lớn, nhiều mẫu xe lắp ráp mới có thể hưởng ưu đãi này thì nay với Nghị định 57, doanh nghiệp chỉ sản xuất lắp ráp 1 hoặc 2 mẫu xe cũng có thể nhận được ưu đãi nếu đáp ứng được điều kiện về sản lượng riêng tối thiểu. Những cái tên có thể kể đến như Honda hiện chỉ lắp ráp City tại Việt Nam, hay Mitsubishi là Outlander”.
Theo dõi thị trường có thể thấy, ngay khi chính sách ưu đãi này được ban hành, một số hãng xe đã có động thái chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước, áp dụng cho những mẫu xe có doanh số tốt, được khách hàng ưa chuộng.
Chẳng hạn, Honda Việt Nam lên kế hoạch chuyển CR-V từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước. Hay như thông tin từ Cục Đăng kiểm, Mitsubishi Xpander - mẫu xe hiện vẫn đang bán ra dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia cũng đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng cho cả 2 phiên bản số sàn và số tự động sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.
Với sự chuyển đổi này, dự kiến thị trường sẽ có thêm một số dòng xe của các thương hiệu Ford, Honda, Mitsubishi đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp này cũng tăng tốc đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô để gia tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng đang được dự báo sẽ tăng mạnh khi Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Công ty Honda và Công ty Mitsubishi cũng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới và dự kiến vận hành vào quý II/2020. Hay Công ty Ford đã tăng vốn đầu tư từ 102 triệu USD lên 184 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp.
Bộ Tài chính cho biết, từ khi chương trình ưu đãi thuế có hiệu lực, đã có 9 doanh nghiệp sản xuất ô tô đủ điều kiện áp dụng ưu đãi như: Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai…
Thanh Hoa