Hiện nay, đầu ra của các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước đang thực sự rất khó khăn từ nhiều phía. Nhiều tháng nay, các DN hầu như không bán được hàng khi mà giá trên thị trường vẫn bị "dìm" dưới giá thành sản xuất, nhất là nhập khẩu chính ngạch từ đầu năm 2020 theo Hiệp định ATIGA.
Chực chờ đóng cửa
Xu hướng giá sẽ vẫn ở mức thấp dưới mức giá thành sản xuất của ngành đường trong nước, dẫn đến khó khăn ngành càng tăng cho các DN mía đường và nông dân trồng mía. Cần lưu ý là ngành mía đường trong nước đang giải quyết sinh kế cho hơn 350 nghìn hộ nông dân.
Vài tháng nay nhiều DN mía đường trong nước hầu như không bán được hàng |
Do chịu tác động của đường lậu, thực thi Hiệp định ATIGA, dịch Covid-19 nên 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa và nhiều DN khác đang chực chờ nguy cơ. Hiện nay, chỉ còn 29 nhà máy đường còn tồn tại, giảm 12 nhà máy so với năm 2017.
Trong khi đó, dù đường không bán được nhưng DN trong nước vẫn phải cố gắng nâng giá mía cho nông dân để giữ mía sản xuất cho vụ tới. Hiện nhiều DN đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.000 đồng/tấn, có nơi thậm chí lên 950.000 đồng/tấn nhằm khuyến khích bà con nông dân giữ mía cho vụ tới.
Tuy nhiên, điều này kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính, giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong niên vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg so với ước tính từ đầu vụ.
Trước tình hình mới mang lại nhiều khó khăn, thách thức lớn cho ngành mía đường Việt Nam, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các HTX nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường. Nhất là cần có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía.
Theo các nhà phân tích, ngành mía đường Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn bão hòa, tốc độ tăng trưởng giảm dần. Theo dự báo của OECD-FAO, tiêu thụ đường nội địa tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,8 triệu tấn vào năm 2023, mức tiêu thụ trung bình ước đạt khoảng 1,76 triệu tấn/năm cho giai đoạn 5 năm từ 2019 – 2023. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của giai đoạn này so với 5 năm trước ước đạt khoảng 12%.
Ngành mía đường Việt Nam hiện có có vị thế rất khiêm tốn trên bản đồ đường mía thế giới với khoảng 18,4 triệu tấn mía cho mỗi niên vụ, đứng thứ 14 trên thế giới.
Cần phòng vệ thương mại
Năng suất mía trung bình ở Việt Nam chỉ đạt 65 tấn mía/ha, thấp hơn so với mức trung bình thế giới 71,2 tấn/ha. Sản lượng đường mía sản xuất trong nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương với 1,1% sản lượng đường mía toàn cầu.
Tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 trong sản xuất đường mía, xếp sau Thái Lan, Philippines và Indonesia, nhưng đứng thứ 2 về hiệu quả sản xuất.
Nếu so sánh với Thái Lan (quốc gia mà Việt Nam đang nhập khẩu đường nhiều nhất) thì với mỗi ha vùng nguyên liệu mía, quốc gia này có thể thu về 7,3 tấn đường, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 5,4 tấn đường/ha. Xét về quy mô sản xuất, ngành đường Việt Nam chỉ bằng khoảng 15% quy mô ngành đường Thái Lan.
Tương tự như phần lớn các quốc gia ASEAN, ngành đường Việt Nam ở trong tình trạng nhập siêu. Do vị trí địa lý gần với quốc gia xuất khẩu đường thứ 2 thế giới là Thái Lan, tỷ trọng đường Thái Lan nhập khẩu vào nước ta chiếm chủ yếu.
Trong khi đó, xuất khẩu đường của Việt Nam phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc. Các DN đường Việt Nam thường xuất khẩu đường qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Bắt đầu từ 2016, Chính phủ Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu đường vào nước này, khiến xuất khẩu đường từ Việt Nam gặp khó khăn.
Trước bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều DN mía đường chưa cao so các nước trong khu vực và thế giới. Giá đường thế giới và khu vực giảm thấp, tình trạng dư cung kéo dài, nhất là trong ba niên vụ gần đây.
Theo giới chuyên gia, trước tình hình mới như việc ngành đường Việt Nam vẫn chưa xây dựng được vị thế của mình trên bản đồ đường thế giới cũng như trong khu vực. Sản xuất đường trong nước vẫn mang tính chất tự cung tự cấp, chưa có khả năng cạnh tranh được với đường nhập khẩu, chưa xuất khẩu được đường Việt Nam ra trường quốc tế
Trong nhiều giải pháp cần sớm được triển khai trong thời gian tới để “cứu” ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh đến việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đồng thời, cần hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại.
Thế Vinh