Thông tin tại buổi họp báo ngày 19/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Năm 2025 ngành dệt may đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD. |
Cụ thể, kim ngạch dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đứng đầu thị trường xuất khẩu dệt may trong năm 2024 vẫn là Mỹ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp sau đó là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường ASEAN.
“Dự báo trong năm 2025, tình hình chung cũng không có gì quan ngại, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm này”, ông Giang thông tin.
Sở dĩ có được kết quả khả quan trong năm 2024 theo ông Giang là do VITAS đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với đó là những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng...
Ngoài ra, trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam cũng có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, là thị trường mang tính toàn cầu mang lại lợi thế rất lớn cho dệt may Việt Nam. Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số cũng như thích ứng tốt trước các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu.
“Hiệp hội đánh giá rất cao giải pháp cộng đồng DN khi thích ứng được đòi hỏi về công nghệ may của các nước lớn. Đặc biệt, việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng được các DN hết sức chú trọng và hợp tác linh hoạt, chính là tiền đề, là cơ sở cho tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang khẳng định.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may báo kết quả kinh doanh trong quý III tăng trưởng nhờ tình hình xuất khẩu khả quan, thậm chí có đơn vị đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm và tự tin hoàn thành các kế hoạch đặt ra.
Điển hình như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ trong quý III, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng của Vinatex đến từ việc đơn hàng tăng cao trong thời gian gần đây khi tình hình chính trị bất ổn diễn ra tại các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Bangladesh và Myanmar.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với cùng kỳ. Kết quả này có được từ việc công ty việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Vitas, ngành dệt may hiện đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe.
“Có một nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải chịu trách nhiệm tới cùng chất lượng. Người tiêu dùng nếu phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, họ sẽ trả lại cho cửa hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ phản hồi với nhà máy cung ứng. Nếu tỷ lệ phản hồi xấu này vượt quá mức cho phép, nhãn hàng sẽ dừng hợp tác với các doanh nghiệp dệt may. Điều này tạo ra áp lực rất lớn”, ông Giang nói.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng đàm phán nhanh nhưng thay đổi quyết định cũng nhanh. “Hôm nay đơn hàng có thể đã đàm phán xong xuôi nhưng ngày mai sức tiêu thụ chỉ cần chững lại trong 1 - 2 tuần thì họ cũng sẵn sàng tạm dừng đơn hàng. Do đó, ngành dệt may đang đứng trước áp lực về tính ổn định đơn hàng”, ông nói.
Thách thức tiếp theo mà ngành dệt may phải đối mặt chính là đơn giá không tăng. Số liệu của Vitas cho thấy đơn giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình của Việt Nam qua các tháng trong năm 2024 vẫn giảm so với mức nền thấp của năm 2023. Cá biệt như tháng 2, đơn giá trung bình khoảng 2.433 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Đơn giá không thể tăng. Mặc dù vậy, ngành vẫn tăng trưởng được là nhờ công nghệ giúp cắt giảm giá thành sản xuất”, ông Giang cho biết.
Thách thức cuối cùng liên quan đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất bởi hiện tại, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đòi hỏi yêu cầu xuất xứ từ sợi, vải trở đi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều xơ sợi và vải, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Hồng Hương